Tình yêu Hà Nội của một nghệ sĩ đường phố
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:36, 08/09/2013
Chân dung "nghệ sĩ đường phố"
Tôi đến thăm ông vào một ngày cuối tháng 8, nắng thu vàng rực trải đều ngõ phố. Đúng như dự đoán của tôi, ông không có nhà. "Làm sao ông ấy có thể ở nhà trong một buổi nắng đẹp thế này!" - bà Nguyễn Thị Chín, người bạn đời của nghệ sĩ nói nửa như hờn trách nửa lại như thấu hiểu, cảm thông. Về sống cùng nhau đã ngót nửa thế kỷ, còn biết ông khi mới chỉ là cô bé con 10 tuổi, mọi buồn vui của ông, bà hiểu hơn cả chính mình. "Cũng không biết đến bao giờ ông ấy về đâu cô ạ, chẳng khi nào có giờ giấc gì cả, càng mưa, càng nắng càng đi và chỉ về khi đã quá mệt, quá đói". Trong ngôi nhà nhỏ chỉ rộng chừng 20m2, la liệt sách và cơ man là ảnh, câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh chuyện ông và gia đình.
Tác phẩm “Bước đi trong mưa” của nghệ sĩ Quang Phùng. |
Cả ông và bà đều mồ côi cha từ nhỏ nên giữa họ có sự đồng cảm, sẻ chia. Từ ngày bà mới 10 tuổi, ông đã đến để dạy tiếng Anh cho 6 anh trai của bà, được gia đình bà coi như ruột thịt. "Mà cả tiếng Anh lẫn chụp ảnh, ông ấy đều tự học mà thành, không theo trường lớp hay thầy thợ gì cả. Sau mỗi lần chuyển công tác, đồ đạc cá nhân chỉ toàn sách và ảnh, có lần đến tận 20 thùng". Bà nhắc đến người bạn đời với tất cả niềm yêu thương và tự hào, tự hào ngay cả trong những khoảng thời gian khốn khó nhất, khi bà sinh đôi hai đứa con trong thời kỳ vô cùng thiếu thốn và ông vẫn vất vả vì công việc, vì đam mê chụp ảnh. "Hồi trẻ, ông ấy chụp ảnh trẻ con và thiếu nữ có duyên lắm. Hàng xóm, bạn bè, họ hàng nhiều người tìm đến tận nhà, ông ấy thường lấy mảnh vườn này làm phông, ảnh đẹp lắm. Bao nhiêu năm qua, mảnh vườn thì vẫn thế nhưng nhiều ngõ phố Hà Nội ông ấy đều đã đặt chân đến. Lúc nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi, ông ấy càng đi nhiều". Từ ngày bà nghỉ hưu, bà cũng có thời gian chăm sóc ông nhiều hơn và cũng lo lắng cho ông nhiều hơn (trước đây, bà là nghệ sĩ violon công tác ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam).
Tôi nhắc đến chùm ảnh Những đứa trẻ ven sông Hồng của ông và nói với bà rằng mình bị ấn tượng bởi khuôn mặt lọ lem nhưng đẹp như thiên thần của em Tuyết, bị ám ảnh bởi thân phận em bé 4 tuổi sảy chân đuối nước khi bố mẹ phải bỏ con ở nhà một mình để ra chợ Long Biên bốc vác hàng hóa. Tất cả những đứa trẻ ấy hiện lên qua ảnh của ông ở nhiều thời điểm, nhiều góc cạnh: Lúc theo mẹ đi kiếm củi ven bãi sông, lúc lẫm chẫm chơi một mình, lúc tha thẩn bới tìm gì đó trong đám rác… Bà kể loạt ảnh đó làm ông tốn rất nhiều thời gian, công sức. Ông cứ vác máy đi từ sáng sớm, mà toàn đi bộ từ nhà ra bãi sông Hồng, đi taxi thì sợ tốn tiền, đi xe buýt sợ mình chậm chạp không kịp xuống bến. Cuối cùng, ông bảo đi bộ là tuyệt nhất, vì còn có thể chộp được những khoảnh khắc đẹp trên đường. Bộ ảnh hoàn thành cũng là thời điểm ông bị đột quỵ lần 1, ngót một tháng điều trị tích cực trong Bệnh viện 108, may mắn không để lại di chứng, nhưng vừa về nhà được hôm trước, hôm sau ông lại vác máy lên đường. Hay trong trận lụt lịch sử năm 2008, bà đã ngăn nhưng ông vẫn nhất quyết đội mưa đi. Đợi từ sáng đến tận 2h chiều vẫn không thấy ông về, bà sốt ruột gọi điện đến hiệu ảnh 174, Bà Triệu là nơi ông vẫn làm ảnh hàng chục năm qua. Cô nhân viên nói từ sáng đến giờ chưa thấy ông qua, lòng bà càng như lửa đốt. Đang định gọi cho con đi tìm thì ông về, quần áo ướt lướt thướt. Thì ra ông ngồi cả buổi ở Bờ Hồ để ghi lại cảnh nước dâng tràn bờ, bà con đi lại sinh hoạt ra sao… Bà bảo nhiều lần thấy ông ốm mà vẫn vác máy đi, bà lo lắng nên cũng đi theo. "Nhưng ra đến đó mới thấy ông ấy hăng say thế nào, vác máy chạy theo nhân vật chụp cho bằng được, mình thì mệt chỉ ngồi ở ghế đá mà thở, muốn theo cũng không nổi".
Thời điểm hiện tại, đã qua hai lần đột quỵ, thêm căn bệnh thoái hóa đa khớp, ở tuổi 82, ông đi lại không còn được nhanh nhẹn như trước, nhưng niềm đam mê chụp ảnh thì không vì thế mà giảm sút. Ngày 29-8 vừa qua, đi nhận giải đề cử Vì Tình yêu Hà Nội, ông về đau chân trái, tưởng như không thể tự đi lại được. Thế mà ngay sáng hôm sau ông lại vác máy ra đường với cái chân tập tễnh, bà sốt ruột gọi cô cháu nội năm nay đã 17 tuổi bảo đi cùng ông. "Tôi không thể và cũng không muốn cản ông ấy, nhưng nói thật ông ấy đi là mình ở nhà phấp phỏng không yên, ông ấy về rồi lại lo ông ấy ốm".
Đã non trưa, nắng đứng bóng thôi nhảy múa giữa bậc thềm, tôi đứng dậy chào bà ra về. Vừa bước chân đến cửa, tôi chợt nghe thấy tiếng cười sảng khoái. Một ông cụ râu tóc bạc như cước đang chống gậy bước vào cổng. Vui mừng nhận ra lão nghệ sĩ Quang Phùng, tôi xin phép được chụp ảnh chân dung ông ngay giữa khu vườn đầy nắng. Đỡ ông vào nhà, bật quạt, bà vội vàng lấy khăn lau mồ hôi cho ông. Thấy ông có ý ngăn vì nhà đang có khách, bà nhẹ nhàng: "Anh cứ để em, em chỉ lo anh ốm thôi, nắng nôi thế này".
Chọn tất cả những gì thuộc về Hà Nội
Những câu chuyện không dứt của ông về hàng trăm bức ảnh mới chụp, mà ẩn chứa trong nó là một câu chuyện về thân phận con người, về từng góc nhỏ của Hà Nội đã cuốn hút tôi. Thật hiếm nhiếp ảnh gia nào có một kho tàng ảnh về Hà Nội đồ sộ và sinh động như nghệ sĩ ảnh đường phố Quang Phùng. Hà Nội qua con mắt nghệ sĩ của ông dung dị, đời thường nhưng vô cùng chân thực và sống động. Ông bảo, vì yêu Hà Nội mà ông cầm máy, rồi đam mê nhiếp ảnh tự lúc nào cũng chẳng hay. Sinh năm 1932, tại phố Hàng Gai, nghệ sĩ Quang Phùng gắn bó cả cuộc đời mình với Hà Nội. Thời trẻ, ông tự mày mò học chụp ảnh và năm 1955, ông đã có bộ ảnh về ngày Giải phóng Thủ đô, rồi sau đó là những tấm hình chân thực, thời sự về thời hoa lửa "12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Suốt những năm tháng công tác tại Ủy ban Quốc tế rồi Bộ Ngoại giao, khả năng quan sát và sự nhạy bén, kiên nhẫn do nghề nghiệp mang lại đã ít nhiều giúp ích cho niềm đam mê nhiếp ảnh của ông.
Nghệ sĩ Quang Phùng không thể nhớ nổi liệu mình đã có bao nhiêu bức ảnh về Hà Nội, chỉ tính riêng ảnh Hồ Gươm cũng đã lên đến hàng nghìn. Ông bảo mình dạo quanh Hồ Gươm từ ngày lẫm chẫm biết đi, chụp ảnh hồ cũng đã 50 năm có lẻ. Ông thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ nơi đây. Ở cạnh Hồ Gươm, mỗi ngày trôi qua, ông lại có thêm ý tưởng cho những bộ ảnh mới. Đó có thể là những chiếc bóng đèn treo lên những tán cây cổ thụ, hay hình ảnh bà bán rong quẩy gánh hàng lúc sáng sớm ra đi và chiều muộn trở về, những chiếc ghế đá kể câu chuyện tình yêu tuổi trẻ… Chỉ tính riêng những bức ảnh về chuyện tình yêu xung quanh Hồ Gươm ông cũng đã có đến 300 chiếc. Ông gói ghém tất cả những bức ảnh theo chủ đề vào mỗi hộp riêng, có hộp còn thắt nơ cẩn thận như một món quà để "lỡ tôi có ra đi, còn có chút gì để lại cho Hà Nội, cho đời sau".
Cũng vì yêu Hà Nội mà ông chụp tất cả những gì thuộc về Hà Nội, hay có, đẹp có, tốt có và mặt trái cũng không ít. Những bức ảnh mặt trái thường là những câu chuyện ám ảnh ông về thân phận những người lao động, về tệ nạn ma túy len lỏi vào ngóc ngách mỗi gia đình, về những em nhỏ sống khốn khó nơi bãi sông, đầu đường… Ông thuộc lòng câu chuyện của từng nhân vật trong tác phẩm của mình vì ông trò chuyện với họ, quan sát họ, thậm chí còn trở thành bầu bạn của họ. Nhưng không chỉ có thế, trên hết là tình yêu thương ông dành cho những thân phận bé nhỏ của Hà Nội - những con người đã góp phần làm nên một Hà Nội bình dị và thân thuộc.