Ứng dụng công nghệ thông tin - khó khăn ở khối huyện
Công nghệ - Ngày đăng : 07:58, 07/09/2013
Việc ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa các xã của huyện Thanh Oai còn khiêm tốn. Ảnh: Lê Tuấn |
Trong số 3 địa phương đoàn giám sát, quận Thanh Xuân có nhiều điểm đáng ghi nhận. Cụ thể, ngoài hệ thống phần mềm được TP trang bị, quận đã đầu tư thêm 10 loại phần mềm phục vụ hoạt động nội bộ, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và DN. Đặc biệt, quận triển khai phần mềm quản lý và chuyển nhận văn bản hồ sơ trạng thái của bộ phận một cửa tại quận và các phường, giúp quản lý được hồ sơ hành chính một cửa trên địa bàn, cho phép kết nối thiết bị cung cấp mã vạch giúp tra cứu thông tin tình trạng xử lý hồ sơ hành chính tại các phòng chuyên môn và trên cổng giao tiếp của UBND quận. Quận đã đầu tư cho công tác đào tạo bảo đảm 80% cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ trên máy tính. Hằng năm, bên cạnh ngân sách TP, quận dành ngân sách địa phương đầu tư cho ứng dụng CNTT. Kết luận về buổi làm việc tại quận, lãnh đạo đoàn giám sát đánh giá Thanh Xuân là địa phương đầu tư chưa nhiều cho CNTT song lại hiệu quả hơn không ít đơn vị chi nhiều cho việc này.
Tại hai huyện Phú Xuyên và Thanh Oai, việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nội bộ, ở bộ phận một cửa đã góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo, điều hành của UBND huyện. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng về ứng dụng CNTT trong các CQNN TP năm 2012, Phú Xuyên đứng thứ 18 (thấp nhất bảng xếp hạng khối huyện) và Thanh Oai đứng thứ 8 (ở mức trung bình). Theo như báo cáo, việc đầu tư cho CNTT ở cả hai huyện hầu như chỉ trông chờ vào nguồn của TP. Giữa các xã, thị trấn trong địa bàn lại không được đầu tư đồng bộ, nhất là ở bộ phận một cửa (chỉ một số ít xã, thị trấn được trang bị hạ tầng phần mềm một cửa đầy đủ); các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN vẫn chưa triển khai. Cụ thể, tại huyện Phú Xuyên, từ năm 2012 mới triển khai xây dựng cổng thông tin và đặt mục tiêu đến năm 2015 mới có những thủ tục hành chính công ở mức độ 3, 4 phục vụ người dân và DN; phần mềm của bộ phận một cửa hoạt động tốt nhưng chưa được sử dụng nhiều vì cơ sở dữ liệu đầu vào rất nhỏ. Tại huyện Thanh Oai (một trong 5 địa phương Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thí điểm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến về đăng ký kinh doanh), phần mềm đăng ký kinh doanh hoạt động tốt nhưng vẫn chưa có hồ sơ nào nộp qua mạng. Qua đó có thể thấy việc triển khai ứng dụng CNTT tại hai huyện trên là chưa thể như mong muốn. Vì nếu kinh phí thiếu thì không thể đầu tư đồng bộ và càng khó để triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ từ huyện đến xã, chẳng hạn huyện Thanh Oai còn tới 18 xã chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là ở bộ phận một cửa. Hoặc có địa phương dù đã triển khai ứng dụng CNTT ở một số hạng mục phục vụ người dân và DN nhưng vẫn chưa có người giao dịch thì cũng không hiệu quả…
Qua báo cáo với đoàn giám sát, đại diện các quận, huyện đều kiến nghị TP tăng cường đầu tư để trang bị, nâng cấp hạ tầng và phần mềm. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT nhằm giúp địa phương triển khai ứng dụng hiệu quả. Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN, cần sự nỗ lực tự thân các địa phương. Nếu như thực hiện chưa triệt để hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động, minh bạch hóa thủ tục hành chính... thì rất khó triển khai.