Đất nghèo nuôi chí nhân tài

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:09, 07/09/2013

(HNM) - Khi chiếc xe của Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới đưa em Dương Thị Hạnh, thủ khoa Đại học Y Hà Nội với 29,5 điểm về đến chợ thôn Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên), các bà, các chị trầm trồ...

Những thủ khoa giàu nghị lực

Chỉ vào một khoảng gạch rộng chừng hơn một mét vuông còn vệt ám khói của bếp than ở ngay ven đường làng, Hạnh nói: "Đấy, chỗ em bán bánh rán đấy ạ!" Từ đó, đi bộ vào nhà Hạnh chỉ vài chục bước chân. Hôm nay, nhằm tiết Rằm tháng Bảy, nhà Hạnh không làm bánh mà chỉ xay bột để bán cho hàng xóm xung quanh làm bánh cúng Rằm. Căn nhà nhỏ bề bộn đồ làm hàng. Góc học tập của Hạnh nhỏ nhưng khá ngăn nắp.

Nguyễn Thị Như Quỳnh đang đan giỏ.



Ngày nào cũng vậy, Hạnh dậy từ 5h sáng để nấu cơm, xay bột, làm bánh rồi mới đến lớp. Bữa sáng của cô thủ khoa chủ yếu là bánh rán. "Giờ em ngán bánh rán lắm rồi!", Hạnh tâm sự. Chợ thôn ở quê nên bán không được nhiều. Mỗi ngày, Hạnh chỉ bán được khoảng 30 cái bánh rán, giá 1.000 đồng một chiếc và khoảng 30 cái nem nhân thịt có giá gấp đôi. Mẹ Hạnh bán hàng ở chợ xa hơn. Bố đi làm thợ mộc ở Hà Nội. Chị gái đang học Học viện Ngân hàng. Ba người em của Hạnh chưa biết việc. Hạnh quán xuyến quán bánh của mình từ khâu xay bột, dọn hàng, đến vác ô, dựng ô để che nắng, che mưa, rồi bán hàng và thu tiền.

"Nhiều hôm đến lớp, bột bánh vẫn dính trên tóc của Hạnh", cô giáo Lê Thị Mai Hường, vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là người dạy môn hóa cho lớp 12A1 kể lại. Vất vả như vậy mà Hạnh vẫn học giỏi. Em đạt học sinh giỏi toàn diện trong cả 12 năm học phổ thông và luôn là học sinh trong tốp đầu về học tập của trường. Năm học 2012 - 2013, Hạnh đạt giải nhất học sinh giỏi môn hóa cấp thành phố, sánh ngang cùng những học sinh giỏi ở những trường điểm của Hà Nội.

Trong lớp 12A1 còn có một thủ khoa nữa là em Nguyễn Thị Như Quỳnh, đạt 29 điểm Học viện Quân y. Quỳnh và Hạnh là hai người bạn thân. Nhà Hạnh đã vất vả nhà Quỳnh còn vất vả hơn, khi một mình mẹ Quỳnh phải nuôi 3 người con từ năm 2001 vì bố mất do bị tai biến. Hằng ngày, Quỳnh phải tranh thủ đan giỏ mây, tre phụ giúp mẹ kiếm thêm thu nhập. Sức học và thành tích học tập của Quỳnh cũng ngang ngang với Hạnh.

Chúng tôi về thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên trên cung đường bụi mù, gập ghềnh sau những trận mưa của tiết Ngâu tháng bảy. Trong ngôi nhà nhỏ ven đường, chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của tân thủ khoa Nguyễn Thị Như Quỳnh, dáng người gầy gò, ốm yếu nhưng toát lên một nghị lực sống phi thường. Đan xen trong câu chuyện về cô con gái đỗ 2 trường đại học là: Đại học Ngoại thương (khối A, 27 điểm) và Thủ khoa Học viện Quân y (khối B) là những chuỗi ngày vất vả một mình nuôi 3 con ăn học. Nghĩ đến người chồng xấu số, chị Nhung nghẹn ngào, ngày bố Quỳnh mất, em còn chưa vào lớp 1, em trai út cũng mới hơn 1 tuổi. Thấm thoát mà đã hơn 12 năm, một mình chị nuôi các con. "Nghĩ mà cũng tội cho chúng nó, chưa bao giờ biết đi đâu chơi, thời gian rảnh rỗi là phải phụ giúp mẹ đủ việc. Kỳ thi đại học vừa rồi, đúng dịp vào vụ cấy ở quê, Quỳnh vẫn ra đồng cấy giúp mẹ", chị Nhung gạt nước mắt kể lại.

Nhà Quỳnh có 4 sào ruộng, đầu năm khó khăn, túng bấn quá mẹ Quỳnh đã phải bán 1 sào đi trang trải cuộc sống. Ruộng nhà thì tranh thủ làm sớm tối, còn ngày đi cấy thuê, kiếm tiền nuôi con. Gia cảnh khó khăn, nhưng cả 3 con của chị Nhung đều chăm ngoan học giỏi. Cô con gái đầu hiện đã là sinh viên năm thứ 3 Đại học Công nghiệp Hà Nội và nay cô con gái thứ hai Nguyễn Thị Như Quỳnh trở thành tân thủ khoa của Học viện Quân y. Cậu con trai thứ 3 cũng nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường Tiểu học và THCS xã Phú Túc.

Dám ước mơ và kiên trì theo đuổi

Khi được hỏi về bí quyết học tập, Nguyễn Thị Như Quỳnh thỏ thẻ: "Em thấy chỉ cần dám ước mơ và kiên trì theo đuổi, ước mơ sẽ thành hiện thực". Sống ở quê, thấy nhiều người thân của mình ốm đau, bệnh tật vì cuộc sống khó khăn nên Quỳnh chỉ mong sau này thành một bác sỹ giỏi.

Trường THPT Đồng Quan rõ là một ngôi trường làng, xung quanh là ruộng lúa và hầu hết học sinh xuất thân từ gia đình thuần nông hoặc làm nghề thủ công. Thầy giáo Lê Văn Hưởng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan nhớ lại cái đận cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi trường vẫn thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, giáo viên đói, học trò cũng đói, không học trò nào đỗ đại học. Trường Đồng Quan đối mặt với quyết định giải thể. Ban giám hiệu nhà trường quyết tâm động viên giáo viên vượt khó, vừa dạy vừa làm thêm nghề bên ngoài để duy trì nhà trường và duy trì cuộc sống của từng gia đình giáo viên. Để rồi qua những năm 90 của thế kỷ trước, nhà trường bắt đầu ổn định. Ước mong giữ lại ngôi trường đã thành hiện thực.

Thầy Hưởng nhớ lại buổi gặp với các thầy cô chủ nhiệm và giảng dạy lớp 12A1, 12A2, 12A3, 12A4 của năm học 2012-2013. Trong buổi trò chuyện đó, thầy đã tâm sự: "Gần 40 năm công tác, trước khi nghỉ hưu tôi muốn các bạn tặng tôi một món quà lớn. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau". Thầy nói tiếp: "Đơn giản thôi! Năm nay sẽ nhiều thủ khoa vào các trường danh tiếng các bạn nhé!". Và rồi điều ước đó đã thành sự thực.

Trong ký ức của nhiều cựu học sinh của trường, việc đạp xe hàng chục cây số, ngày 4 lần, có kiên nhẫn mấy rồi cũng oải và quan trọng hơn là chẳng có sức để học tiếp. Vì vậy, những hôm học cả ngày, đa phần học sinh ở các xã xa như Hoàng Long, Phú Túc đều phải mang cơm nắm muối vừng đi để ăn bữa trưa. Buổi trưa ở trường còn là dịp để các em ôn tập bài vở cho nhau. Vất vả là thế nhưng với sự tâm huyết của thầy cô đã tạo nên những thủ khoa đầu vào của các trường đại học danh tiếng.

Với tình yêu nghề và sự hết mình vì học sinh, các thầy cô ở đây đã góp phần giúp biết bao nhiêu bậc phụ huynh của vùng quê nghèo này có được niềm vui con đỗ đại học và đỗ thủ khoa. Không chỉ tận tâm hết mình trong mỗi giờ học, đối với các em có hoàn cảnh khó khăn như Quỳnh, Hạnh… thầy cô và bạn bè luôn đồng hành, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thầy, các cô đã sẵn sàng chia lương của mình để động viên học trò. Ngoài những khoản giúp đỡ trực tiếp, có thầy, cô còn có hẳn một quy định, em nào thi đại học, môn nào được 10 điểm là thưởng.

Đối với những thủ khoa, việc ăn cơm nắm muối vừng khi ở lại trường, mặc những bộ quần áo sờn cũ, đi xe đạp cọc cạch… chưa bao giờ khiến các em cảm thấy chạnh lòng. Những thủ khoa ở ngôi trường đơn sơ này chưa biết đến một giờ luyện thi ở những lò luyện thi danh tiếng, nhưng vẫn đỗ thủ khoa vào những trường danh tiếng.

Ngôi trường nhỏ đơn sơ đón rồi đưa bao lớp học trò. Năm học 2012-2013, thầy trò nhà trường tiếp tục nhận được những trái ngọt. Nhà trường có 3/50 Thủ khoa trong toàn quốc. Dương Thị Hạnh 12A1, Nguyễn Thị Như Quỳnh 12A1, Lương Thị Hai 12A2, Thủ khoa Trường ĐH Giáo dục. Có gần 50 em đạt 24 điểm trở lên, 7 em trên 27 điểm. Tỷ lệ đỗ ĐH trên 50%. Và những con số biết nói ấy luôn là niềm tự hào của bất kỳ ai từng học tập, giảng dạy dưới mái trường Đồng Quan.
*
* *
Chúng tôi còn nhớ như in những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ góa bụa của em Lê Đức Duẩn khi biết tin con mình là thủ khoa khối A cao điểm nhất cả nước năm 2012. Trong giọt nước mắt của mẹ ngoài niềm vui vỡ òa còn có vị mặn của nhọc nhằn, gian khổ và cả chặng đường dài thân cò một mình nuôi con. Trong tương lai, ở miền ruộng trũng này, nhiều người mẹ cả đời tần tảo, nhọc nhằn sẽ nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc từ chính con cái mình.

Bạch Thanh - Nguyễn Tùng