Thận trọng trước khi quyết định
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 07/09/2013
Các nội dung cần góp ý liên quan đến việc làm thế nào để mô hình, tổ chức chính quyền địa phương có tính khoa học, hiện đại, có sức mạnh, bảo đảm sự gắn kết với cơ sở và nhân dân. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hiện có nhiều luồng ý kiến: Có ý kiến đề xuất đổi mới chính quyền địa phương theo hướng chỉ tổ chức hai đơn vị hành chính, gồm cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh để giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước; có ý kiến đề nghị đa dạng hóa việc chia đơn vị hành chính lãnh thổ để làm căn cứ hiến định cho việc đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Một trong số địa phương đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là TP Đà Nẵng lại cho rằng: Nếu nói cơ quan dân cử cấp huyện mang tính hình thức, từ đó loại bỏ là chưa thực sự chính xác, mang nặng định kiến. Việc bỏ HĐND cấp huyện như nhiều cơ quan tham mưu khẳng định là sẽ góp phần làm giảm hẳn tệ nạn tham nhũng cũng chưa đúng với thực tế. Vì trong số vụ án xét xử từ trước tới nay, rất ít trường hợp cán bộ HĐND tham nhũng. Trong khi đó, nếu HĐND cấp tỉnh không đủ cánh tay "nối dài" thì một bộ phận người dân gặp oan sai biết kêu ai khi không còn cơ quan đại diện để phản ánh? Ngược lại, khảo sát của TP Hồ Chí Minh lại cho kết quả lạc quan, có được thành công bước đầu. Điều đó thể hiện qua quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, vai trò, năng lực hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền được nâng lên, những kênh để lắng nghe ý kiến của nhân dân tăng cường hơn. Các cấp lãnh đạo đã tập trung giải quyết tốt những vấn đề nhân dân kiến nghị.
Phản ánh trái chiều nêu trên cho thấy, không nên dừng lại việc tham khảo đánh giá về mô hình chính quyền địa phương ở mức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học mà nên tổng kết đánh giá tại tất cả địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và cả những nơi không thí điểm, từ đó mới có cơ sở giải quyết những bất cập của mô hình chính quyền ở địa phương hiện nay và có định hướng sửa đổi phù hợp với thực tiễn cũng như hiến định trong hiến pháp mới. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, chỉ ra rằng do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng, nhất là các tỉnh, thành có vị trí trung tâm thì việc thành lập các cấp chính quyền cũng không thể rập khuôn như nhau. Chừng nào chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn thì chừng ấy vẫn khó phân định nhiệm vụ của từng cấp theo hướng bảo đảm sự điều hành thông suốt của nền hành chính quốc gia.