Vắng bóng tại chợ dân sinh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 06/09/2013
Ngày 5-9, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (NAFI QAD) và Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm đã tổng kết đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn theo VietGAP. Có 20 mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn gồm rau, thịt lợn, thịt gà đã được xây dựng, vận hành, kiểm chứng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang và Bắc Giang. Tính đến nay có 13/14 mô hình điểm rau, quả; 11/11 trại chăn nuôi lợn; 9/14 trại gà đã được chứng nhận VietGAP, 6/6 cơ sở giết mổ thịt lợn và thịt gà và 5/5 cơ sở bán thịt lợn và thịt gà được đánh giá đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết, có hai đơn vị tham gia dự án là HTX Phước An (huyện Bình Chánh) và Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung (huyện Củ Chi). Tại HTX Phước An, trước khi tham gia dự án thì diện tích sản xuất chỉ 7ha và lượng rau bán ra trên thị trường là 298 tấn. Từ năm 2009, khi tham gia dự án diện tích sản xuất rau theo VietGAP, HTX này nâng diện tích canh tác lên 25ha, đạt sản lượng hơn 1.800 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ trước đây chỉ là bếp ăn, thương lái thì hiện đã đến các siêu thị lớn như SaigonCo.op là 76%, BigC 14%, Metro 6% sản lượng… tiêu thụ đạt 98% lượng sản phẩm làm ra. Doanh thu bán hàng năm 2009 chỉ 2,3 tỷ đồng/năm thì hiện là 19 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 triệu đồng/năm. Còn tại liên tổ Tân Trung, diện tích sản xuất là 9,5ha, doanh thu là 5,5 tỷ đồng, lợi nhuận hằng năm là 200 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến, qua hai mô hình điểm cho thấy việc sản xuất rau an toàn không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn cải thiện và nâng cấp điều kiện sản xuất của các hộ nông dân, HTX. Theo kế hoạch, năm 2013 và 2014 dự án sẽ nhân rộng mô hình rau an toàn VietGAP cho 4 HTX gồm: Ngã 3 Giồng, Phú Lộc, Phước Bình, Hưng Điền. Trong đó, sẽ chú ý hoạt động tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm, như thí điểm xây dựng mô hình cửa hàng kinh doanh rau tại chợ đầu mối…
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, dù đạt được những kết quả nhất định nhưng những thực phẩm sạch, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP vẫn còn rất ít, đặc biệt là ở các chợ dân sinh hoàn toàn không có. Vì vậy, thành phố đã đề ra chỉ tiêu trong năm 2013 có khoảng 50% diện tích canh tác của các HTX (khoảng 220ha) được chứng nhận VietGAP và 30% diện tích canh tác rau của hộ nông dân (khoảng 1.040ha) đáp ứng được các tiêu chí của VietGAP. Con số này đến năm 2014 là 70% (khoảng 350ha) và 40% (khoảng 1.380ha) và năm 2015 sẽ là 100% diện tích canh tác của HTX và 30% diện tích canh tác của hộ nông dân được chứng nhận VietGAP.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp (Cục trưởng NAFIQAD), có hai lý do khiến sản xuất theo VietGAP thì các HTX thuận lợi nhưng hộ nông dân nhỏ lẻ lại gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là vì khó tổ chức sản xuất, hỗ trợ thị trường với sản xuất nhỏ lẻ; thứ hai là cần niềm tin giữa người sản xuất và nhà phân phối. Rất nhiều trường hợp đã có cam kết nhưng khi được giá thì nông dân không bán cho nhà phân phối và ngược lại khi sản lượng dư thừa thì nhà phân phối không mua hàng của nông dân. Vì vậy, hai bên cần phải làm đúng cam kết, có tổ chức hỗ trợ nhau thì sản xuất và tiêu thụ sẽ dễ dàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phải có ý thức sử dụng sản phẩm sạch, tiêu thụ các sản phẩm có chứng nhận để bảo đảm an toàn cho bữa ăn của mình.