Còn nhiều trở ngại
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 06/09/2013
Nhiều tín hiệu vui
Là xã điểm xây dựng NTM của huyện Phú Xuyên, Đại Thắng đã tập trung chỉ đạo hoàn thành dồn điền, đổi thửa 100% diện tích. Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng, để có vùng sản xuất hàng hóa, Đại Thắng đã được thành phố đầu tư mô hình điểm 100ha lúa chất lượng cao, sản xuất theo quy trình mạ khay, máy cấy; Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Song, khi bắt đầu đưa mô hình này vào cũng gặp nhiều khó khăn do phần lớn các hộ dân không đồng tình nên UBND xã phải giao cho HTX thuê lại đất của xã viên để làm điểm, rồi vận động nhân dân làm theo. Đến vụ xuân 2013, xã đã có 30% diện tích cấy lúa áp dụng phương thức mạ khay, máy cấy vào sản xuất, góp phần giảm chi phí từ 7 triệu đồng/ha/vụ, xuống còn 3 triệu đồng/ha/vụ. Số lao động nhàn rỗi đã chuyển sang phát triển nghề phụ tại 90 cơ sở sản xuất và 5 doanh nghiệp trên địa bàn xã với các nghề may màn, sản xuất chăn, ga, gối, mộc dân dụng…
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết khi xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền |
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ Đa Tốn (Gia Lâm) Lê Văn Tám khẳng định, mô hình sạ thẳng bằng dàn kéo tay đã giúp nông dân giảm chi phí lao động, giảm đầu tư và tăng giá trị thu nhập. Đến nay, gieo sạ trên địa bàn xã chiếm 80% diện tích vụ xuân và 30% diện tích vụ mùa. Ông Tám cũng chia sẻ kinh nghiệm, muốn dân tin, HTX phải chịu trách nhiệm từ khâu ngâm ủ giống, làm đất, chăm sóc đến khi lúa được 2-3 lá mới giao cho các hộ chăm sóc tiếp. Ngoài gieo sạ, HTX còn đầu tư mua 4 máy làm đất, 6 máy gặt đập liên hợp, 2 máy phun thuốc trừ sâu với giá trị hơn 2 tỷ đồng để phục vụ nhân dân. "Nếu thuê ngoài, công làm đất là 120 nghìn đồng/sào, nhưng HTX chỉ thu 95 nghìn đồng/sào; công thu hoạch thủ công là 250-300 nghìn đồng/sào, HTX thu hoạch bằng máy chỉ tính 165 nghìn đồng/sào, nên nhân dân ai cũng phấn khởi" - ông Tám nhấn mạnh.
Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Hà Nội mới chỉ đạt 0,95 mã lực (HP)/ha canh tác, ĐBSH là 0,85 HP/ha, bình quân cả nước là 1,12 HP/ha. Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất 80,2%, trong khi bình quân cả nước là 80%; gieo cấy là 8,1% (cấy bằng máy 1,2%), bình quân cả nước là 25%; thu hoạch 8,5% so với bình quân cả nước là 20%... |
Còn lắm gian nan
Đến hết tháng 5-2013, Hà Nội đã đầu tư được 8.900 máy các loại để thực hiện cơ giới hóa trong trồng trọt, bao gồm các khâu làm đất, gieo cấy, tưới nước, bảo vệ thực vật và thu hoạch trên 4 loại cây trồng: Lúa, rau, hoa và cây ăn quả. Tổng diện tích được cơ giới hóa khoảng 107.378ha, trong đó có 4.800 máy làm đất, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất chiếm 80,2%; 425 máy gặt đập liên hợp, gặt được 8,5% diện tích lúa. Tuy nhiên, so sánh mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và toàn quốc cho thấy, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đều thấp hơn so với bình quân chung của cả nước.
Theo Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về cơ giới hóa còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng nông thôn tuy đã phát triển song chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của cơ giới hóa; chưa có nhiều khu sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa… Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình cơ giới hóa trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo thành phong trào rộng rãi trong nông thôn… Cơ chế, chính sách cơ giới hóa nông nghiệp theo Nghị quyết 04 của HĐND TP Hà Nội (tháng 4-2012) còn nhiều bất cập; nông dân thiếu vốn, khó tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, nên ít đầu tư cho cơ giới hóa…
Rõ ràng, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã khẳng định được hiệu quả. Là Thủ đô của cả nước, có tiềm lực lớn về kinh tế và khoa học, kỹ thuật, nhưng tỷ lệ cơ giới hóa của Hà Nội vẫn chưa cao. Trong số rất nhiều giải pháp được đưa ra như đẩy nhanh hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, để đưa cơ giới hóa và công nghệ mới vào các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ… thì việc củng cố, hỗ trợ, nâng cao vai trò của các HTX nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Chỉ khi nào các hộ gia đình tham gia vào HTX, các hiệp hội hoặc liên kết thành nhóm hộ, khi đó mới có khả năng huy động vốn, cung cấp dịch vụ mang lại lợi nhuận cho xã viên.