“Công cao như núi, thưởng tày nửa gang”
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 06/09/2013
Câu chuyện về mức thưởng chưa từng có ở Việt Nam khiến người làm báo chúng tôi không khỏi suy nghĩ về người lao động ở những ngành nghề khác đang âm thầm cống hiến sức lực, trí tuệ, thậm chí cả tính mạng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước… Với những người như thế, "công cao như núi", nhưng đang được hưởng mức thưởng "chẳng tày nửa gang".
Bác sĩ Hiền, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa thăm khám cho bệnh nhân. |
1- Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa như thể một ốc đảo, nếu không có việc, thì ngay CBNV trong viện cũng ít khi lui tới. Bác sĩ Trưởng khoa Phạm Bá Hiền cho biết, khoa hiện có 50 giường nội trú, trong đó có 30 giường điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, 20 giường cho bệnh nhân "H" - HIV. Ngoài ra, khoa còn đảm nhận khám, điều trị, tư vấn thường xuyên cho gần 1.000 bệnh nhân "H" của Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Là những người thường xuyên đối mặt với "tử thần", giành giật từng giờ sự sống cho bệnh nhân, đã có hơn nửa trong số gần 20 người của khoa bị phơi nhiễm. Nguyên nhân ư? Theo bác sĩ Hiền có rất nhiều: Chăm sóc bệnh nhân có vết thương viêm loét, chảy mủ; sơ cứu cho người bị vỡ tĩnh mạch; làm tiểu phẫu bị máu dính vào; tiêm truyền, làm xét nghiệm bị đâm kim tiêm vào tay… Khi y, bác sĩ bị "dính" phơi nhiễm có được hưởng chế độ gì không? "Có, được sử dụng thuốc chữa bệnh miễn phí, được nghỉ phép, nghỉ bù dài ngày để ổn định tâm lý và chữa trị. Chấm hết" - Bác sĩ Hiền trả lời.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mức thưởng những đơn vị, cá nhân xuất sắc hằng năm của Bệnh viện Đống Đa thường là 5 triệu đồng cho tập thể, 1 triệu đồng cho cá nhân, nhưng ít khi lãnh đạo bệnh viện "mạnh tay" ký duyệt mức này, vì kinh phí khen thưởng có hạn, như thưởng cá nhân 6 tháng đầu năm 2013 (cả viện có 8 người) mỗi người được 500 nghìn đồng, khen thưởng khoa là 2 triệu đồng (có khoa gần 30 người). Với những trường hợp có thành tích xuất sắc, cần khen thưởng đột xuất để kịp thời động viên như được bệnh nhân nhiều lần gửi thư khen, cứu sống người bệnh trong trường hợp hiểm nghèo… thì mỗi ca trực hoặc cá nhân được thưởng tối đa không quá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá, buồn nhất vẫn là khoản tiền thưởng cho các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công vào thực tiễn của bệnh viện. Mức thưởng bình quân cho một đề tài là 10 triệu đồng, có đề tài nghiên cứu cả năm trời với sự tham gia của nhiều y, bác sĩ, theo những người tham gia đề tài thì số tiền thưởng trên chưa đủ chi phí in ấn tài liệu.
Bác sĩ Hiền kể cho chúng tôi nghe trường hợp một bệnh nhân trẻ khi nhận được thông báo dương tính với "H" đã dùng dao gọt hoa quả tự đâm vào bụng mình nhiều nhát, khiến anh này ngất ngay tại chỗ. Các bác sĩ phải lao vào cứu chữa, chẳng ai kịp nghĩ khả năng mình bị phơi nhiễm rất cao, vì chậm một phút là nguy đến tính mạng người bệnh. Sau này, khi đã bình phục, bệnh nhân tâm sự: "Lúc mê man, vẫn nghe loáng thoáng tiếng bác sĩ Hiền nói phải làm gì để cứu tôi. Các bác sĩ là những người sinh ra tôi lần thứ hai. Ơn này, dù còn sống trên cõi đời ngày nào, tôi luôn nhớ đến!". Chỉ cần những lời động viên thế thôi cũng đủ giúp CBCN trong khoa vượt qua sự kỳ thị, gian khổ, thiếu thốn và cả hiểm nguy trụ vững với nghề - bác sĩ Hiền khẳng định.
2- Nhiều lần được cùng mật phục, "đánh án" buôn bán, vận chuyển ma túy, chúng tôi trở nên thân thiết với Đại tá Lê Quang Đán, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên. Gặp anh Đán, ít thấy anh cười và câu chuyện giữa chúng tôi thường là buồn bởi giữa thời bình, trong cuộc chiến chống heroin - "vàng trắng" thẩm lậu về xuôi, máu của nhiều chiến sĩ công an, biên phòng đã đổ xuống. Một lần đi công tác cùng anh, trên đường vào bản Pa Thơm, có ba ngôi mộ ven đường được xếp bằng đá, Đại tá Lê Quang Đán dẫn chúng tôi xuống thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tới người đã ngã xuống. Nước mắt đẫm trên khuôn mặt khắc khổ của người lính già khiến chúng tôi đắng lòng. Đúng tại chỗ đó, chiến sĩ công an Phạm Văn Cường, quê ở Hải Phòng, đã hy sinh. Đêm ấy, Cường cùng hai trinh sát vào bản tiếp cận đối tượng, trên đường trở ra, cả ba bị chúng đón lõng, ném mìn. Sau đó, những kẻ thủ ác xả súng vào các anh. Cuộc chiến chống ma túy là hành trình mong manh giữa sự sống và cái chết, thường trực trong gian khổ, hiểm nguy. Không ít chiến sĩ bị chúng hạ gục bằng "đạn bọc đường". Lôi kéo không được thì tội phạm đe dọa, khủng bố... Một cán bộ lực lượng phòng, chống ma túy thẳng thắn "đề nghị" chúng tôi: Các anh đừng nêu tên tuổi cụ thể của anh em trực tiếp làm án, kẻo nguy hiểm cho họ và gia đình.
Chiều 5-8 vừa qua, được tin Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên mới triệt phá thành công một chuyên án ma túy, thu giữ 34 bánh heroin, 15,3kg heroin dạng bột, gần nửa triệu USD, hàng chục cây vàng và 7 xe ô tô, 5 khẩu súng… chúng tôi gọi điện lên chia vui cùng Đại tá Lê Quang Đán. Anh cho biết, được tỉnh thưởng cho Ban chuyên án 30 triệu đồng, chia đều ra, đủ tiền xăng, thuốc lá cho bao lần chạy ngược xuôi, mật phục. Đại tá Đán nói có chuyên án được thưởng, có chuyên án không, anh em phải vay tiền vợ để đánh án. Hỏi mức thưởng vì sao thấp thế, các anh có buồn không? Đại tá Đán trả lời: Không mong gì được thưởng, vì như thế nghĩa là không có án, không còn ma túy tìm đường lọt về xuôi gieo rắc "cái chết trắng" nữa. Vả lại, thưởng bao nhiêu đã có quy định chung, lãnh đạo nhiều địa phương cũng thấu hiểu nỗi cực nhọc, nguy hiểm để triệt phá một đường dây ma túy nhưng không thể làm khác. Không riêng gì Điện Biên, chúng tôi được biết như tỉnh Bắc Ninh, vừa rồi triệt phá thành công đường dây ma túy của Tàng Keangnam, thu giữ 265 bánh heroin, cũng chỉ được thưởng 50 triệu đồng. Hay ở Bình Dương, phải cộng cả hai chuyên án, một vụ bắt thu giữ 34 bánh heroin, một vụ bắt 13 tên cướp dùng súng gây ra 20 vụ cướp, mới được tỉnh thưởng "nóng" 30 triệu đồng.
3- Năm vừa qua là năm đầy khó khăn với ngành than. Theo thống kê, năm 2012 doanh thu của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đạt 93,1 nghìn tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2011; lợi nhuận 2.500 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với năm 2011; than tiêu thụ 39,38 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2011. Nước nổi thì thuyền mới nổi, khi doanh thu sụt giảm, tất kéo theo lương, thưởng bị cắt giảm. Chúng tôi được nhiều thợ ở Xí nghiệp Than Giáp Khẩu (Công ty TNHH MTV Than Hòn Gai) cho biết, nếu làm cật lực đủ công thì mỗi tháng thu nhập cũng chỉ được khoảng 8 triệu đồng, trừ đi các khoản phí, đóng góp, thực lĩnh còn khoảng 7 triệu, thấp hơn năm 2012, 2-3 triệu đồng. Lương đã vậy, thưởng thì ngày một "hẻo" hơn, thậm chí tháng có, tháng không. Cả năm làm quần quật, trông vào thưởng tết để mua sắm, nhưng tết vừa rồi, nơi cao được 3-5 triệu đồng/người, nơi thưởng thấp chỉ vài ba trăm nghìn. Cầm chút tiền thưởng nhỏ nhoi, nhiều người thợ loanh quanh ở chợ không biết sẽ mua gì, phố xá tấp nập, đông vui đón xuân mà lòng người thợ sao cứ héo hon? Nhiều thợ trẻ không chịu được "nhiệt" đã bỏ nghề, về quê làm ruộng. Ngược lại, đa phần thợ lâu năm khi được hỏi đều khẳng định chắc như "khoan thủy lực cắm vào vỉa than": Dù có nặng nhọc, độc hại, vất vả bao nhiêu, lương thưởng có thấp đi, nhưng chúng tôi vẫn yêu và quyết tâm gắn bó với nghề.
Để có một viên than - "vàng đen" cho Tổ quốc, những người "Sống trên dương gian, làm việc dưới âm phủ" - như câu nói đùa của cánh thợ mỏ, không chỉ đổ bao mồ hôi, chịu đủ loại bệnh tật nghề nghiệp mà nhiều khi phải trả giá bằng máu, bằng sinh mạng. Tôi còn nhớ như in, vụ tai nạn sập hầm lò cách đây gần 3 năm. Hôm đó, tại lò chợ vỉa 8, cánh nam, Phân xưởng khai thác 3, Xí nghiệp Than Thành Công, 38 công nhân đang cần mẫn làm việc thì bỗng nghe tiếng ầm, ào… rồi nước, đất đá, bùn đổ xuống dữ dội. "Bục túi nước rồi" - tiếng ai đó hét thất thanh. Tất cả mọi người không ai bảo ai đều cố chạy vội ra hướng cửa lò. Thoát được ra ngoài, kiểm lại thì thiếu mất 4 người, tất cả đều là thợ lò bậc 4/6 gồm: Mai Văn Thông, Ngô Đình Giang, Lê Văn Khởi và Dương Văn Định, độ tuổi từ 22 đến 28, trong đó Mai Văn Thông và Ngô Văn Giang đã có vợ và mới sinh con. Ngay khi nhận được tin dữ, những người thân của bốn công nhân đã có mặt tại cửa lò. Bố anh Thông, ông Mai Văn Đích thẫn thờ như người mất hồn ngồi trước cửa lò ngóng đợi tin con. Mấy ngày rồi ông chẳng ăn uống gì, cứ mỗi khi có đội cứu nạn ra, ông lại lập cập chạy đến hỏi: Thế nào các chú, đã tìm được manh mối gì mới chưa? Khi nhận được những cái lắc đầu, nước mắt lại lăn dài trên mặt, giọng ông Thông tức tưởi: Các chú ơi, thằng Thông hẹn với vợ Tết Trung thu này sẽ về và mua quà cho con nhỏ, thế mà...
*
* *
Khi biết tôi viết về mức thưởng 180 tỷ đồng, có đồng nghiệp gợi ý, nên viết thêm về những tác giả, nhóm tác giả nghiên cứu khoa học với những đề tài làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, nhưng mức thưởng rất khiêm tốn. Hoặc để thời sự, nên nói về những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, đã có công đưa ra ánh sáng những vụ tiêu cực "động trời", nhưng chỉ được thưởng vài trăm nghìn đồng… Có người lại mong đề xuất 180 tỷ đồng được duyệt, bởi biết đâu, với một mức thưởng "khủng" như thế sẽ là cú huých tạo ra bước đột phá làm thay đổi lối tư duy khen thưởng từ trước tới nay vẫn nặng về động viên tinh thần kiểu "Ba đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng"? Như thế, rõ là phải mừng mới đúng chứ, sao dư luận phải "xoắn", sao một số người - như tôi - phải chạnh lòng mà liên tưởng này nọ, rồi lại buồn? Lạ nhỉ?...