Đăng ký bảo hộ thương hiệu: “Khắc tinh” của hàng nhái
Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 06/09/2013
Phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã
Hàng nhái, hàng giả có mặt ở mọi nơi, từ quán cóc vỉa hè đến các trung tâm thương mại cao cấp. Hầu hết ngành hàng đều có sản phẩm bị nhái nhãn hiệu, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm bị làm giả nhiều nhất. Các thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm bán chạy là đích ngắm của "công nghệ" sao chép bao bì. Thủ đoạn của những người "làm giả, ăn thật" ngày một tinh vi, trước là đánh lừa người tiêu dùng bằng tên gọi gần giống với sản phẩm có uy tín đang bán chạy, nay thì làm mẫu mã bao bì và logo na ná, khiến người mua khó nhận biết thật - giả.
Thời gian tới, các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước sẽ được tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. |
Một "khổ chủ" - Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Úc Châu (Austrapharm) chia sẻ lý do vì sao phải thay đổi bao bì sản phẩm một loại sản phẩm đang bán chạy: Năm 2011, trên thị trường xuất hiện sản phẩm tên Lacvitmin plus, Lactotrep plus có phông chữ, màu sắc giống y khuôn sản phẩm Lactomin plus - loại có công dụng phòng ngừa, điều trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, giúp tái lập cân bằng vi sinh đường ruột mà công ty đang phân phối. Hàng nhái đã làm giảm ít nhất 25% doanh số của công ty này, đơn giản vì sự nhái tinh vi đến mức mà ngay cả nhân viên của công ty còn bị nhầm, nói gì đến người tiêu dùng. Không chỉ giảm về doanh thu, uy tín của các công ty cũng bị ảnh hưởng bởi sản phẩm sao chép có chất lượng thấp. "Trước thực trạng này, đồng thời để phát triển sản phẩm, tăng cường mức độ nhận biết sản phẩm Lactomin plus đích thực, chúng tôi đã thay đổi mẫu mã, đăng ký bảo hộ thương hiệu" - ông Đỗ Vũ Trí, Tổng Giám đốc Austrapharm cho biết.
Hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày một nhiều. Năm 2011, năm mà hàng giả, hàng nhái có mức "tăng trưởng" đột biến, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 6 nghìn vụ vi phạm, số tiền phạt lên tới 9 tỷ đồng. Năm 2012, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý hơn 13 nghìn vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT, phạt hành chính hơn 53 tỷ đồng. Năm 2013, riêng quý I, số vụ vi phạm được phát hiện là 3.115 vụ, số tiền phạt là 13 tỷ đồng. Nguyên nhân của thực trạng này, theo Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh là do lợi nhuận có được nhờ hành vi sai trái quá lớn, trong khi chế tài thiên về xử lý hành chính, chủ yếu là phạt tiền nên hiệu quả ngăn chặn thấp.
Nâng cao ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay, không chỉ có Austrapharm, nhiều doanh nghiệp đã thấy được lợi ích thiết thực của việc đăng ký bảo bộ SHTT về nhãn hiệu. Trong năm 2012, Cục SHTT đã tiếp nhận 29.578 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu và đã chấp nhận bảo hộ 21.794 nhãn hiệu. Lý do khiến các doanh nghiệp tìm đến giải pháp bảo hộ nhãn hiệu, như chia sẻ của ông Đỗ Vũ Trí là vì giải pháp này sẽ tốn ít thời gian và tiền của hơn là khởi kiện đối thủ dù có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Tăng cường bảo hộ SHTT không chỉ vì chi phí phát sinh hay thiệt hại về doanh số, quan trọng hơn, đó là cách bảo vệ sản phẩm an toàn nhất. Cục trưởng Tạ Quang Minh cho rằng, hiện nay, việc quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về quyền SHTT của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về SHTT, đặc biệt là hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền SHTT. Thêm nữa, vì hành vi làm nhái tinh vi và rất phổ biến nên chỉ có xã hội hóa công tác đấu tranh, phòng chống hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là một số mặt hàng liên quan đến sức khỏe cộng đồng như thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, đồ uống, thì mới có thể nhanh chóng phát hiện và loại bỏ hành vi này. Cũng theo Cục SHTT, trong năm nay, đơn vị này sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến việc xác lập quyền SHTT nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền bảo hộ. Làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp khác rõ ràng là hành vi gian lận thương mại, trong nhiều trường hợp đã gây hậu quả nặng nề đối với người tiêu dùng, bởi vậy, định hướng của Cục SHTT là chuyển dần từ phạt hành chính sang mức độ cao hơn, chẳng hạn như đưa ra tòa dân sự.
Doanh nghiệp chủ động, cơ quan quản lý vào cuộc, người tiêu dùng cùng giám sát. Thế "chân kiềng" ấy có vững thì mới có thể loại bỏ hàng nhái.