Không thể để ”tự tung, tự tác”
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:33, 06/09/2013
Không chỉ có "bác sĩ lậu", phòng khám này còn hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Tại Hà Nội, Phòng khám Đa khoa số 12 Kim Mã (quận Ba Đình) vừa bị xử lý do các vi phạm về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hành nghề...
Sai phạm trong lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân không phải là vấn đề mới mẻ mà thường xuyên xảy ra. Hầu như trong đợt thanh tra, kiểm tra nào, cơ quan chức năng cũng phát hiện vi phạm của các phòng khám tư với nhiều mức độ khác nhau: Không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất khám chữa bệnh; hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép, bác sĩ không có giấy phép hành nghề, hành nghề không đúng chuyên môn; phòng khám không được cấp giấy phép hoạt động; tận thu, thậm chí "chặt chém" không thương tiếc bệnh nhân... Trên thực tế, không ít phòng khám tư đã để xảy ra những vụ việc đau lòng do mải chạy theo lợi nhuận.
Sự phát triển của hệ thống hành nghề y dược tư nhân gắn liền với chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế. Theo đó, Nhà nước đã chấp nhận đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép và khuyến khích thành lập các phòng khám tư, bệnh viện tư, bệnh viện bán công, bệnh viện liên doanh... Đến thời điểm này, cả nước có hơn 65.000 cơ sở y dược tư nhân, trong đó riêng Hà Nội hiện có khoảng 2.500 cơ sở. Không thể phủ nhận đóng góp của hệ thống cơ sở y dược tư nhân, đặc biệt trong việc giải quyết các nhu cầu khám chữa bệnh không phức tạp của người dân như giảm tải cho hệ thống cơ sở y tế công lập, phục vụ bệnh nhân kịp thời với thủ tục đơn giản, thuận tiện; nhiều phòng khám tư được trang bị phương tiện, máy móc hiện đại, có đội ngũ bác sĩ giỏi trực tiếp hành nghề hoặc cộng tác... Sự phát triển của các cơ sở y tế tư nhân là tất yếu. Vấn đề đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn nạn "kiểm tra (phòng khám tư) là ra vi phạm" có căn nguyên chính là những yếu kém trong công tác quản lý, những kẽ hở trong quy định pháp luật, những "vấn đề", "tồn tại" ở đội ngũ cán bộ thừa hành...
Bệnh nhân là một dạng khách hàng đặc biệt, y tế là một loại dịch vụ đặc thù, một hoạt động xã hội có điều kiện mà tiêu chí cao nhất là bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng con người. Trong khi đó, các phòng khám tư được lập ra có một tiêu chí riêng, đấy là lợi nhuận (ngoại trừ các cơ sở hoạt động vì mục đích nhân đạo). Không thể bảo đảm phòng khám tư nào cũng luôn luôn đáp ứng các mục tiêu này nếu như những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý không được khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, cũng bởi tính chất đặc thù của lĩnh vực y tế, không thể chấp nhận tình trạng buông lỏng quản lý để phòng khám tư "tự tung, tự tác" dù cơ quan chức năng, người thừa hành công vụ quản lý nhà nước có ngụy biện bằng bất cứ lý do gì.