Lịch sử trang phục Việt Nam qua “Ngàn năm áo mũ”
Xã hội - Ngày đăng : 12:35, 05/09/2013
Cuốn sách "Ngàn năm áo mũ" |
Xuất phát từ việc cho ra mắt cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” vào đầu tháng 6-2013 thu hút sự quan tâm của công chúng. Đây là công trình nghiên cứu trang phục Việt Nam công phu của nhà nghiên cứu trẻ tuổi Trần Quang Đức.
“Ngàn năm áo mũ” là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức với mục đích dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).
Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. “Ngàn năm áo mũ” lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam. Coi thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo so với trang phục cung đình Trung Quốc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.
Ngay từ ra mắt cuốn sách và hàng loạt sự kiện kèm theo như trưng bày tranh, ảnh, hiện vật trong cuốn sách... đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tiếp tục chùm sự kiện liên quan tới công trình nghiên cứu công phu này, Nhã Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội tổ chức toạ đàm với chủ đề “Lịch sử trang phục Việt Nam qua “Ngàn năm áo mũ” vào lúc 18h ngày 10-9 tại hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Chương trình có sự tham gia của tác giả Trần Quang Đức, nghệ nhân Trịnh Bách, nhà phê bình Phạm Văn Ánh với sự dẫn dắt của dịch giả Lê Quang.