Sống chung với ô nhiễm?

Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 04/09/2013

(HNM) - Đến năm 2015, TP Hồ Chí Minh phải có trên 80% cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý chất thải đúng quy định; 90% khu đô thị mới, 50% khu đô thị cũ được thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm xuống còn 40% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp

Một góc nhà máy xử lý nước thải ở KCN Hiệp Phước.



Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, trong 16 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố, chỉ 2 cụm có nhà máy xử lý nước thải tập trung là CCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và Nhị Xuân (huyện Hóc Môn). Với 14 CCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nguyên nhân là các CCN đều mới thành lập vài năm nay (trong khi các KCX-KCN đã hình thành hơn 20 năm nay) nên công tác vận động, thu hút chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng cho CCN rất khó, chưa kể các chính sách ưu đãi còn hạn chế. Mặt khác, việc nâng công suất tái chế rác thải lên 60%, giảm lượng rác thải chôn lấp xuống còn 40% chưa thực hiện được do thiếu cơ sở vật chất…

Từ nay đến ngày 25-10, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh sẽ mở các đợt thanh tra tại 15 doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại và 21 doanh nghiệp vận chuyển chất thải nguy hại. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động bảo vệ môi trường và lấy các mẫu chất thải để kiểm tra, đề xuất các biện pháp xử lý.

Còn với 13 KCX-KCN trên địa bàn, theo ông Đào Anh Kiệt, tất cả đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung do hình thành từ trên 20 năm nay. Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban quản lý các KCX-KCN (Hepza), dù 100% các KCN-KCX đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng vẫn không thể xử lý hết nước thải, cần mở rộng đầu tư hơn nữa. Ban quản lý Hepza cho biết, hiện có 3 KCN đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 2 gồm: KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung lên thành 7.000 m3/ngày, đêm (hiện công suất chỉ có 4.000 m3/ngày, đêm); ở KCN Đông Nam (huyện Củ Chi) xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 2 với công suất thiết kế 15.000 m3/ngày, đêm (giai đoạn 1 là 10.000 m3/ngày, đêm); KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) mở rộng nhà máy với công suất 6.000 m3/ngày, đêm (công suất hiện tại là 3000 m3/ngày, đêm).

Điều đáng nói, trong thời gian chờ mở rộng, những nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các CCN, KCN-KCX đã quá tải còn phải "ôm" thêm trách nhiệm xử lý nước thải đô thị. Như nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Tân Tạo, ngoài nhiệm vụ xử lý nước thải của 230 doanh nghiệp trong KCN còn phải "ôm" thêm gánh nặng nước thải của cả một khu dân cư trên địa bàn. Trong khi đó, thành phố hiện chỉ có Nhà máy xử lý nước thải tập trung Bình Hưng (huyện Bình Chánh) thu gom và xử lý trên 140.000m3 nước thải đô thị/ngày,đêm, trong khi tổng lượng nước thải 13 quận nội thành khoảng 2 triệu m3/ngày. Còn Nhà máy xử lý nước thải tập trung Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện mới chỉ dừng lại ở việc thu gom (không xử lý) nước thải ở lưu vực kênh cho 7 quận trung tâm và giai đoạn 2 nếu hoàn thành cũng phải chờ đến năm 2019. Riêng Nhà máy xử lý nước thải tập trung Tân Hóa - Lò Gốm vẫn đang nằm trên giấy.

Tất cả tình trạng trên đang khiến cơ quan chức năng thành phố lo lắng bởi khả năng khó hoàn thành mục tiêu đề ra là hiển hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân thành phố còn phải "sống chung với ô nhiễm" dài dài...

Hà Phạm