Hội nghị thượng đỉnh G20: Bóng đen Syria bao phủ
Thế giới - Ngày đăng : 05:57, 04/09/2013
Hơn 2 triệu người Syria đã phải đi sơ tán vì chiến tranh. |
Mặc dù, cách đây ít ngày, Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh cần ưu tiên vấn đề kinh tế tại hội nghị vì còn rất nhiều thách thức phải đối phó trong thời kỳ hậu khủng hoảng nhằm tìm kiếm sự hồi phục bền vững trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, lời kêu gọi từ ông S.Harper khó được đáp ứng khi dấu hiệu về cuộc tấn công Syria, kéo theo phản ứng trái chiều của nhiều bên liên quan, ngày một phức tạp.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Mỹ Barack Obama, người được cho là đi đầu trong kế hoạch hành động can thiệp quân sự nhằm vào Damacus sẽ không bỏ lỡ cơ hội sử dụng các cuộc họp bên lề G20 để "vận động hành lang", tìm kiếm thêm hậu thuẫn cho cuộc chiến nhằm vào Syria đang bị trì hoãn. Vì hiện tại, mọi nỗ lực thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) để mở cuộc tấn công quân sự Syria sẽ bất thành do phản đối từ Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, bài học rút ra sau các cuộc chiến Afghanistan, Iraq, Libya đang ngăn cản nhiều đồng minh của Mỹ tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến mạo hiểm mới. Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 12 quốc gia trong khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã loại bỏ khả năng tham chiến chống Syria. Và, ngay cả Tổng thống Mỹ B.Obama, người tỏ ra cương quyết trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, cũng đang phải viện đến sự phán quyết từ Quốc hội Mỹ.
Trong lúc chờ đợi phán quyết từ Đồi Capitol vào ngày 9-9 tới, dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc "đối đầu nảy lửa" dự kiến sẽ diễn ra giữa "ông chủ" Nhà Trắng và người đồng nhiệm nổi tiếng là cứng rắn của nước chủ nhà Nga Vladimir Putin. Một điều chắc chắn rằng, Mátxcơva sẽ tiếp tục dùng quyền phủ quyết để ngăn Mỹ tìm kiếm sự đồng thuận cho hành động quân sự chừng nào các thanh sát viên LHQ chưa đưa ra được một kết luận thuyết phục buộc tội chính quyền của Tổng thống B.Assad. Nước Nga từng cay đắng nhận ra sai lầm khi bị Mỹ thuyết phục thông qua một nghị quyết của LHQ về thiết lập vùng cấm bay tại Libya, trong đó có lý do "tạo ra một khu vực an toàn cho người tị nạn". Kết quả là Nga hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề trong các hành động quân sự tại Libya sau đó. Vì vậy, dù lãnh đạo hai cường quốc không có kế hoạch gặp song phương, nhưng tranh cãi giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng Syria khó có thể tránh khỏi trên bàn hội nghị; vì thế, thời lượng bàn thảo các nội dung liên quan tới kinh tế nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp.
Trong lúc những khó khăn về kinh tế do khủng hoảng gây ra vẫn chưa được giải quyết triệt để, cơ hội để có được sự đồng thuận nhằm tìm ra hướng đi vững chắc cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang ảm đạm tại cuộc gặp thượng đỉnh G20 lần này hầu như không còn khi thế giới lại tiếp tục đứng trước nhiều nguy cơ có thể phát sinh từ cuộc chiến tại Syria. Mặc dù lượng dầu xuất khẩu của Syria là không đáng kể, nhưng khu vực Trung Đông lại cung cấp 1/3 sản lượng dầu toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của phương Tây vào Syria cũng sẽ khiến cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới nước này, lôi kéo các nước láng giềng dính sâu hơn và tác động không nhỏ đến các cơ sở dầu khí lớn trong khu vực. Ngoài thị trường dầu mỏ, bất kỳ biến động nào ở Trung Đông cũng sẽ tạo "cơn địa chấn" và phản ứng dây chuyền trong thị trường chứng khoán và năng lượng trong khi các cường quốc vẫn đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ do cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài.
Một cuộc chiến nhằm vào Syria không chỉ đe dọa an ninh toàn cầu mà còn khiến nền kinh tế thế giới đứng trước một tương lai khó đoán định mà cuộc gặp thượng đỉnh G20 trong 48 giờ tới phải đối mặt.