Tết Trung thu của… người lớn?

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:42, 04/09/2013

(HNM) - Theo nhận định của báo chí Trung Quốc, "mùa" Trung thu năm nay các loại bánh nhiều khả năng sẽ ế vì thị trường không còn sôi động như những năm trước.

Cụ thể, ước tính doanh thu bán bánh Trung thu tại Trung Quốc năm 2013 sẽ giảm khoảng 20% vì hai lý do: Một là, kinh tế khó khăn làm giảm sức mua; hai là, các chính sách chống tham nhũng của Trung Quốc nghiêm cấm quan chức nhận và tặng quà xa xỉ. Trước đó, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tham nhũng và lãng phí, chính quyền nước này còn ra lệnh cấm các đài truyền hình, phát thanh quảng cáo những loại quà tặng xa xỉ, đắt tiền.

Sự khó khăn trong phát triển kinh tế hiện nay là tình trạng chung của toàn cầu. Tương tự, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều nhận rõ tác hại của nạn tham nhũng, lãng phí và tích cực đề ra những biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa.

Trở lại với chuyện bánh Trung thu. Tại Việt Nam, theo tính toán của các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, sức tiêu thụ các loại bánh Trung thu sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Một "đại gia" khá nổi tiếng với sản phẩm bánh Trung thu bật mí, năm 2013 DN sẽ đưa ra thị trường trên 2.000 tấn sản phẩm với hơn 100 loại bánh. Những DN nhỏ cũng công bố sản xuất khoảng 500-700 tấn bánh Trung thu, có đơn vị còn dự kiến sẽ mở tới trên 10.000 điểm bán hàng…

Vài con số nêu trên dễ làm cho người ta nghĩ rằng người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, ngày càng ưa chuộng "món" bánh Trung thu. Nhưng xin thưa, thực tế không hẳn là vậy. Bộ phận nghiên cứu thị trường của các DN tính toán, 70-80% tổng sản lượng bánh Trung thu của Việt Nam hiện nay phục vụ nhu cầu biếu, tặng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Do đó, giá của một hộp bánh phổ biến ở mức trên dưới 1 triệu đồng, cao cấp hơn có những loại tới 2,5-3 triệu đồng một hộp. Thậm chí, có hộp bánh được bán với giá trên 4 triệu đồng, tức là gấp rưỡi mức lương bình quân của công nhân, lao động mỗi tháng. Trong khi đó, loại bánh dưới 5 chục nghìn đồng một chiếc xem ra ngày càng khó tìm và hiện phổ biến chỉ do các làng nghề sản xuất.

Vậy là đáng mừng hay đáng lo trong khi nền kinh tế của chúng ta được nhận định rằng phía trước còn không ít khó khăn, thách thức? Chưa biết những chiếc bánh Trung thu có giá "khủng" kia được làm bằng chất liệu gì, gói bọc sơn hào hải vị ra sao, nhưng với tình trạng kinh tế nêu trên, chắc chắn những hộp bánh giá "khủng" khó lòng đến tay con trẻ. Cũng chẳng có con cháu nào biếu ông bà, cha mẹ những hộp bánh đắt tiền như vậy, và nếu có, cũng sẽ không có bậc sinh thành nào chấp nhận món quà xa xỉ này. Dường như bánh Trung thu đang trở thành một loại "phương tiện" để người ta lấy lòng nhau, dọn đường cho những mục đích vụ lợi nào đó. Tết Trung thu cũng đang dần bị biến tướng trở thành cái "tết biếu xén" của người lớn với đầy toan tính thiệt hơn.

Có lẽ chúng ta đang lấy mất đi cái tết đáng lẽ thuộc về con trẻ. Nên chăng, cách làm "mạnh tay" như một số quốc gia trong phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng là cần thiết để Tết Trung thu thực sự trong sáng và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo không còn có giá trên trời bởi phải "cõng" thêm nhiều mục đích vụ lợi của người lớn.

Hoàng Thu Vân