Chiếc cốc giấy

Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 01/09/2013

Một buổi tối, tôi ngồi trong bếp lơ đãng nghe hai cậu con trai Tommy 15 tuổi và Kevin 12 tuổi tranh luận với nhau. Và tôi đã không chú ý khi Kevin đứng dậy lên tầng hai với nỗi buồn trên gương mặt.

Khoảng 20 phút sau đó, khi lên tầng, tôi nghe tiếng Kevin khóc trong phòng tắm. Tôi cố gắng để không thốt ra câu: "Thôi nào, Kevin, đừng trẻ con thế!". Thay vào đó, tôi gõ cửa và hỏi: "Kevin, con có muốn nói chuyện không?".

Không có tiếng trả lời.

Tôi thử lại : "Này, sao con không ra khỏi đó đi?".

Vẫn không có tiếng trả lời.

Nhìn xung quanh, tôi thấy một mảnh giấy nên liền chụp lấy và lấy thêm một cái bút chì rồi viết: "Nếu con không muốn nói chuyện, chúng ta có thể viết giấy cho nhau".


Một giờ sau đó, tôi vẫn ngồi trên sàn, bên ngoài phòng tắm với hai mảnh giấy trước mặt. Một cái còn trắng tinh và một cái có chữ của Kevin trong đó cậu bé đã diễn tả cảm giác không vui của mình bằng lời cho tôi. Khi đọc những dòng chữ của Kevin, nước mắt tôi đã rơi. Cậu bé viết: "Không ai trong gia đình quan tâm đến con. Con không phải là đứa trẻ bé nhất, cũng không phải là đứa lớn nhất. Và con không có năng khiếu đặc biệt. Tommy nghĩ con là một đứa dở hơi, còn bố thì luôn mong muốn có một Kevin khác, một Kevin chơi bóng rổ giỏi. Và mẹ thì chẳng bao giờ ở bên cạnh để chú ý đến con".

Cậu bé đã nói đúng về tôi. Nước mắt tôi rơi lã chã khi tôi viết lại cho Kevin: "Con biết mà Kevin, mẹ thực sự yêu con và mẹ xin lỗi đã không luôn thể hiện tình cảm với con. Mẹ đang ở đây vì con và cả nhà rất yêu con".

Trong 10 phút, không có câu trả lời, nhưng sau đó tôi nghe tiếng khóc khe khẽ của cậu bé. Kevin hết giấy và cậu đã viết trên một mảnh bìa được xé ra từ chiếc cốc giấy: "Cám ơn mẹ".

Tôi viết lại: "Vì cái gì?" Kevin trả lời: "Vì đã yêu con".

Sau chuyện xảy ra ngày hôm ấy, tôi cố gắng hết mình để quan tâm đến tất cả các thành viên trong gia đình. Tôi và Kevin cũng trở nên thân thiết hơn, và khi một người trong chúng tôi thấy người kia buồn, chúng tôi sẽ mỉm cười và nói: "Hãy viết nỗi niềm của mình lên chiếc cốc giấy".

Phạm Đức Thịnh (114 Cầu Trì)