Bài cuối: Đâu là hướng đi hiệu quả?

Xã hội - Ngày đăng : 06:05, 01/09/2013

(HNM) - Dạy nghề gì, bắt đầu ra sao và giải quyết việc làm sau khi đào tạo cho LĐNT như thế nào - là những vấn đề đòi hỏi phải được tiến hành khẩn trương. Thế nhưng, hướng đi nào hiệu quả lại không dễ có câu trả lời.

Khắc phục sự "lệch pha"

Trong năm 2013, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tiếp tục dạy nghề cho gần 40.000 LĐNT, nâng con số lao động qua đào tạo ở nông thôn lên 30%, chất lượng lao động qua đào tạo nghề đạt 23%. Đến năm 2015, các chương trình khuyến công phấn đấu tạo được từ 8.000 đến 10.000 việc làm cho LĐNT, đưa thu nhập bình quân lao động công nghiệp nông thôn đạt khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề 7 tháng đầu năm 2013 của thành phố mới đạt 40% kế hoạch đề ra. Bên cạnh lý do nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng nên không có nhu cầu lao động; ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình hạn chế, nhiều chính sách hỗ trợ chưa sát… là những lý do "nhãn tiền" khiến công tác dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả chưa cao.

Lao động nông thôn học cắt may tại Trung tâm Dạy nghề Phương Nam. Ảnh: Bảo Lâm


Để việc học nghề thực sự thu hút LĐNT, theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH), trong tổ chức dạy nghề bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người học, các cơ sở dạy nghề cần đưa vào chương trình dạy nghề những kiến thức về kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp và các kỹ năng mềm (pháp luật lao động, kỷ luật lao động, tác phong làm việc theo nhóm, theo yêu cầu của dây chuyền sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường…). Mặt khác, địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch: Quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sản xuất công nghiệp - dịch vụ, quy hoạch xây dựng nông thôn mới… Thường xuyên bồi dưỡng trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cùng với việc bảo vệ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dạy nghề và tạo việc làm cho LĐNT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, để khắc phục sự "lệch pha" trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực thì địa phương, doanh nghiệp và nhà trường phải "bắt tay" hỗ trợ lẫn nhau. Nhà trường đào tạo nghề doanh nghiệp cần thay vì đào tạo những nghề mình có; địa phương cần khảo sát thực tế nhu cầu việc làm của lao động để tư vấn và dạy nghề đạt hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, sắp tới các ngành chức năng và địa phương cần kết hợp chặt chẽ hơn giữa dạy nghề và tạo việc làm, trong đó tạo việc làm sau dạy nghề là rất quan trọng. Trước hết phải làm tốt công tác điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình, đặc điểm, yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động và việc làm của từng địa phương, doanh nghiệp, trên cơ sở đó mà xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm. Đây là khâu quan trọng, quyết định yêu cầu ngành nghề, địa chỉ dạy nghề để sau học nghề có việc làm ngay, khắc phục tình trạng dạy nghề không theo địa chỉ, dạy nghề rồi mới đi tìm việc làm nên dẫn đến nhiều lao động sau học nghề vẫn không có việc làm, hoặc làm không theo nghề đã học, gây lãng phí lớn.

Cần những giải pháp dài hơi

Để tạo việc làm cho lao động, vấn đề quan trọng là công tác tư vấn việc làm sau đào tạo. Với chức năng là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu trong công tác dạy nghề của thành phố, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cần phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể xã hội, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, bằng nhiều hình thức tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho lao động sau học nghề, coi đây là nội dung quan trọng của chương trình dạy nghề để cho lao động biết tìm việc làm, biết địa chỉ làm việc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện để lao động được làm việc thuận lợi, ổn định, bảo đảm mọi quyền lợi theo pháp luật. Mặt khác, trong thời gian tới, thành phố cần chú trọng đến việc xây dựng, đào tạo đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ cao, giáo viên chuyên nghiệp; đổi mới nội dung, giáo trình, thời gian dạy nghề, kịp thời cập nhật kiến thức mới, nghề mới phù hợp với thực tế sản xuất, lao động và việc làm nhằm bảo đảm cho người lao động sau khi học nghề có việc làm và làm có hiệu quả.

Song song với đó, chính sách đầu tư vốn tạo việc làm cho lao động sau học nghề cần được cởi mở hơn. Tính đến ngày 31-12-2012 tổng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thành phố là 912,315 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến nay, nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giải quyết cho vay gần 18.000 dự án, tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động. 30% nguồn vốn của Quỹ được cho vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, 15% nguồn vốn để phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố còn dành hơn 1.400 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chính sách vay vốn. Tuy nhiên, số LĐNT sau học nghề được vay vốn để tạo việc làm còn thấp (hiện mới đạt 4,9%), nên chưa tạo điều kiện cho lao động sau học nghề có việc làm.

Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ về chính sách, chương trình đầu tư vốn để lao động sau học nghề tạo việc làm, thành phố phải tạo điều kiện về mặt pháp lý, quản lý, về chủ trương, hướng dẫn cho lao động mở ra ngành nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, thành lập các làng nghề, tổ chức các tổ hợp tác sản xuất… tạo nhiều việc làm cho lao động tại chỗ. Đây là vấn đề quan trọng để LĐNT "ly nông bất ly hương" - đúng như kỳ vọng của người lao động và chủ trương đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động mà thành phố Hà Nội luôn hướng đến.

Nguyên Hoa