Phải đặc biệt đề cao phẩm chất “khách quan, trung thực, công tâm”

Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 01/09/2013

(HNM) - Sau lễ công bố thành lập vào ngày 14-8, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai ngay những công việc cần làm nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Thành ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (PCTN); chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và PCTN.


Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi về những công việc khá mới mẻ của Ban Nội chính Thành ủy cũng như kế hoạch dài hơi để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Việc khó, việc mới, không tránh khỏi va chạm

- Trước hết, xin chúc mừng ông đã được lãnh đạo Thành ủy tin tưởng, giao trọng trách làm Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội. Sau hơn hai tuần kể từ sau lễ ra mắt, Ban Nội chính Thành ủy đã ưu tiên thực hiện những công việc gì?

- Chúng tôi đã tiến hành ổn định tổ chức, bộ máy, tiếp nhận nhân sự, cơ sở vật chất của Ban chỉ đạo PCTN thành phố cũng như Phòng Nội chính của Văn phòng Thành ủy để nhanh chóng đi vào hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bước đầu, chúng tôi đã xây dựng dự thảo quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban từ nay đến cuối năm. Chúng tôi cũng đang xây dựng dự thảo, tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, MTTQ thành phố, Thanh tra thành phố. Đây là công việc rất quan trọng, bởi nếu không có sự phối hợp nhuần nhuyễn với các ngành chức năng, Ban Nội chính sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy.


- Đâu là những nhiệm vụ cơ bản của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, thưa ông?

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính các tỉnh, thành phố, chúng tôi xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung vào hai nội dung. Thứ nhất, đối với công tác nội chính, chúng tôi tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy tiến hành công tác phổ biến, giáo dục về lĩnh vực nội chính (bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố...). Với Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa, trái tim của cả nước, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tối ưu để thực hiện tốt công tác này. Thứ hai, chúng tôi sẽ bắt tay vào tuyên truyền Luật PCTN, cùng với đó là phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, đôn đốc các cơ quan chức năng của thành phố xây dựng cơ chế, chính sách hiện còn chưa bảo đảm, còn thiếu, hoặc có điều không phù hợp nhằm tránh việc cá nhân lợi dụng lỗ hổng của cơ chế, chính sách để trục lợi.

- Những cơ chế, chính sách nào sẽ sớm được sửa đổi, bổ sung?

- Trước hết là những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai, đầu tư. Chẳng hạn vừa rồi, qua việc kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho thấy, hiện nay có những quy định về công tác đầu tư chưa được chặt chẽ. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiến nghị hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Đây cũng là những vấn đề tới đây chúng tôi sẽ tập trung rà soát và báo cáo với Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy để đề nghị các cơ quan liên quan có sự điều chỉnh kịp thời.

- Ngoài những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài mà ông đề cập, đã có đầu việc cụ thể nào Ban Nội chính bắt đầu đảm nhận?

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã tiếp cận vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. Ban Nội chính sẽ phối hợp cùng các cơ quan như công an, tòa án, viện kiểm sát… để “mổ xẻ” vụ việc theo trách nhiệm được phân công. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quyết định thành lập 7 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm tại các địa phương, đơn vị trong đó có Hà Nội. Công tác chuẩn bị cho hoạt động này trước đây giao cho Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN là đầu mối, nay Ban Nội chính sẽ đảm nhận. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng báo cáo để Thành ủy báo cáo với đoàn kiểm tra của Trung ương trong tháng 9 tới. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị phục vụ công tác kiểm tra về giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội của Ban Nội chính Trung ương... Đó là những công việc tới đây cần khẩn trương thực hiện. Còn kế hoạch dài hơi, chúng tôi sẽ bàn bạc xây dựng chương trình cụ thể, triển khai theo lộ trình nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Trong ngày thành lập, khi giao nhiệm vụ cho Ban Nội chính Thành ủy, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, tinh thần trách nhiệm, ý chí của cán bộ Ban Nội chính phải rất cao bởi công việc thường xuyên có sự va chạm, môi trường làm việc hằng ngày luôn đòi hỏi phải có sự giữ gìn, hy sinh, chịu đựng. Với cương vị là Trưởng ban Nội chính, ông có cho rằng vị trí của mình là “ghế nóng”?

- Khi được giao trọng trách này, cá nhân tôi đã ý thức được đây là công việc mới, việc khó, không tránh khỏi sự va chạm. Bản thân tôi đã tham gia làm công tác xây dựng Đảng nhiều năm và có thời gian làm công tác kiểm tra Đảng nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong công việc, các cơ quan nội chính cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng hợp tác để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Phải kiên trì, bền bỉ

- Lãnh đạo thành phố đánh giá, Ban Nội chính Thành ủy ra đời không phải để thay thế các cơ quan thẩm tra, giám sát của Đảng. Đây là thêm một tổ chức mới, cùng giúp cho sự lãnh đạo của Đảng trong tham mưu, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra... Tuy nhiên, sau khi có Ban Nội chính với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tình hình sẽ khác với trước đây. Theo ông, đâu là sự khác biệt khi Ban Nội chính tham gia vào công tác PCTN?

- PCTN là việc lớn, hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, không chỉ Ủy ban Kiểm tra hay Ban Nội chính Thành ủy có thể làm được mà phải huy động kết quả cao. Trong những năm qua, công tác PCTN đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, và phải kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Ban Nội chính sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong PCTN. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên tuyền vận động để người dân cùng tham gia, tạo thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trong xã hội, đồng thời phải thực hiện các biện pháp nhằm công khai minh bạch tài sản, điều chỉnh cơ chế, chính sách, điều chuyển cán bộ… Lấy ví dụ, trước đây việc công khai tài sản của cán bộ đã được thực hiện nhưng còn mang tính hình thức nên tới đây cần làm tốt hơn, quyết liệt hơn. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng biểu dương gương tiêu biểu PCTN, đặc biệt phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền; khi phát hiện vụ việc vi phạm thì kiên quyết xử lý… Giải pháp nào cũng quan trọng, nếu thực hiện tốt đều tạo hiệu ứng. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để công tác PCTN đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa.

- Như vậy, Ban Nội chính đã đánh giá cao vai trò của cơ quan báo chí và coi đây là kênh thông tin quan trọng, hỗ trợ Ban Nội chính và các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ được giao. Vậy khi có những vụ việc xảy ra, báo chí có thể vào cuộc để tuyên truyền, thông tin tới bạn đọc?

- Điều đó là tất yếu. Những gì không phải là bí mật quốc gia thì cần phải công khai rộng rãi. Hơn nữa, nếu công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN thì tại sao Ban Nội chính lại không phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ? Thực tế thời gian qua việc công khai trên báo chí đem lại hiệu quả rất tốt. Nhiều vụ án tham nhũng từ trước tới nay phần lớn là do báo chí và nhân dân phát hiện. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có quy định thông tin thường xuyên kết quả kỳ họp cho cơ quan báo chí. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhanh chóng thông tin kết quả kiểm tra cũng như xem xét xử lý kỷ luật với cán bộ, đảng viên vi phạm trong từng vụ việc cụ thể cho các cơ quan báo chí. Điều này khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn coi trọng báo chí và luôn cởi mở trong việc thông tin cho báo chí. Tôi lấy ví dụ, vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, ngay sau khi Thường trực Thành ủy họp đã thông tin cho báo chí rõ từng việc, sai phạm tới đâu, khởi tố những ai với tội danh gì…

- PCTN là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp vì động chạm đến những người có chức, có quyền. Ban Nội chính sẽ thể hiện vai trò như thế nào để nâng cao hiệu quả của công tác PCTN?

- Chức năng của chúng tôi là tham gia giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; tham mưu lãnh đạo biện pháp giải quyết đối với một số vụ việc trọng điểm, phức tạp hoặc có ý kiến khác nhau.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, nếu muốn làm “sạch” những nơi khác, trước tiên cán bộ, công chức của Ban Nội chính phải “sạch”. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh về phẩm chất trong sạch của đội ngũ cán bộ nội chính trong lễ thành lập Ban Nội chính Thành ủy. Đề nghị ông cho biết, Ban Nội chính Thành ủy sẽ có những biện pháp gì để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh?

- Ngoài năng lực, tinh thông nghiệp vụ, kinh nghiệm xử lý công việc, người cán bộ nội chính cần phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống. Từng cán bộ phải gương mẫu, trong sạch, không bị cám dỗ. Trong những yếu tố đó chúng tôi đặc biệt đề cao phẩm chất “Khách quan, Trung thực, Công tâm”. Có như vậy thực hiện công việc mới hiệu quả, giải quyết được những việc khó, việc “nóng”, nhạy cảm.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Lê Hương - Hoàng Thu Vân