Bầu cử Quốc hội Australia: Cuộc đua hứa hẹn nhiều kịch tính

Thế giới - Ngày đăng : 05:40, 01/09/2013

(HNM) - Không khí chuẩn bị của các đảng phái trước

Theo các số liệu thống kê mới nhất, cuộc tổng tuyển cử lần này ghi nhận con số kỷ lục các ứng cử viên tham gia tranh cử. Trong đó, có 529 ứng viên tranh cử 40 ghế trống trong Thượng viện (Thượng viện Australia có 76 ghế) và 1.188 ứng cử viên tranh cử 150 ghế Hạ viện. Mặc dù có hàng chục đảng phái đăng ký tham gia cuộc bầu cử quan trọng này, nhưng trên thực tế đây chỉ là cuộc đua "song mã" giữa Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Kevin Rudd và Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập do ông Tony Abbott đứng đầu. Nếu so sánh tương quan lực lượng trước thềm tổng tuyển cử khi Công đảng cầm quyền hiện nắm 71 ghế tại Hạ viện trong khi Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập nắm 72 ghế, thì đây là cuộc đua quyết liệt hứa hẹn nhiều kịch tính. Theo luật pháp Australia, đảng nào nắm đa số quá bán tại Hạ viện sẽ được quyền đứng ra thành lập Chính phủ và người đứng đầu đảng đó đương nhiên trở thành thủ tướng nước này.

Thủ tướng Australia Kevin Rudd (phải) và đối thủ Tony Abbott tranh luận trước bầu cử.


Cuộc tổng tuyển cử lần này diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi ông Kevin Rudd - khi đó là cựu ngoại trưởng - đánh bại đương kim Thủ tướng Julia Gillard trong cuộc bỏ phiếu nội bộ ngày 26-6 vừa qua để bầu chọn nhà lãnh đạo Công đảng rồi trở thành Thủ tướng Australia nhiệm kỳ thứ hai. Trong bối cảnh nội bộ Công đảng cầm quyền bị rạn nứt nghiêm trọng sau cuộc đổi ngôi ngoạn mục ngày 26-6 vừa qua, cuộc tổng tuyển cử ngày 7-9 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây không chỉ là phép thử đối với uy tín của Công đảng cầm quyền sau gần 3 tháng tiến hành cải tổ nội các sâu rộng, mà còn là thước đo phản ánh sự tín nhiệm của cử tri Australia đối với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Kevin Rudd thực hiện thời gian qua.

Trở lại nắm quyền nhiệm kỳ hai giữa lúc nền kinh tế đất nước hơn 23 triệu dân này gặp không ít khó khăn. Công bố mới nhất của Ngân hàng trung ương Australia (RBA) cho thấy, dự báo mức tăng trưởng kinh tế trung bình năm 2013 của nước này là 2,25%, thấp hơn mức dự báo 2,5% mà RBA đưa ra hồi tháng 5 vừa qua. Một trong những nguyên nhân khiến RBA phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này là do đầu tư trong ngành khai khoáng đang suy giảm nhanh chóng. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Australia trong tháng 7 vừa qua không thay đổi so với tháng 6 khi vẫn ổn định ở mức 5,7%, thế nhưng RBA dự báo nước này sẽ mất 10.200 việc làm khi chuyển đổi từ phụ thuộc chủ yếu vào ngành khai khoáng sang các ngành khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới là trọng trách hết sức nặng nề đối với Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Kevin Rudd. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đang trở thành chủ đề được Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập do ông Tony Abbott đứng đầu khai thác triệt để nhằm giành lợi thế trước cử tri.

Ngoài trọng tâm kinh tế, rất nhiều mối quan tâm khác đang được các cử tri Australia đặt kỳ vọng vào nhà lãnh đạo tương lai sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Từ vấn đề vay nợ, thâm hụt ngân sách, kế hoạch tàu cao tốc, cắt giảm thuế, chương trình giáo dục Gonski, biến đổi khí hậu, chăm sóc người già, việc xây dựng sân bay thứ hai ở Sydney đến vấn đề người xin tị nạn, sự trông đợi của người dân đã khiến cuộc đua tranh thêm phần nóng bỏng. Trong các cuộc tranh luận trên truyền hình Thủ tướng Kevin Rudd đều nhấn mạnh, Australia đã vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn nhiều quốc gia khác. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Công đảng cầm quyền hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công ăn việc làm cho người dân. Trong khi đó, lãnh đạo Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập Tony Abbott lại cam kết sẽ thiết lập một chính phủ bền vững, đưa ngân sách vào vòng kiểm soát sau 6 năm "lãng phí, quản lý kém và mâu thuẫn nội bộ lãnh đạo" của Công đảng. Ông Abbott cũng cam kết xây dựng một nền kinh tế vững mạnh hơn, bãi bỏ thuế carbon, tăng cường xây dựng đường sá và ngăn chặn làn sóng người xin tị nạn tới Australia.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, uy tín của Công đảng cầm quyền đã tăng từ 29% lên 35% - mức cao nhất kể từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay - trong khi uy tín đối với Liên minh Tự do - Quốc gia đối lập giảm từ 48% xuống còn 43%. Kết quả này cho thấy, hiện vẫn còn nhiều cử tri chưa quyết định sẽ ủng hộ đảng nào trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7-9 tới. Điều này khiến cho cuộc đua trở nên gay cấn và bất ngờ đến phút chót.

Đình Hiệp