Giúp việc gia đình: Bao giờ chính thức trở thành một nghề?
Xã hội - Ngày đăng : 08:01, 31/08/2013
Theo nghiên cứu của GFCD, hơn 90% người GVGĐ cũng như chủ sử dụng lao động chỉ thỏa thuận miệng, không có hợp đồng bằng văn bản. Chính vì vậy, khi xảy ra đổ vỡ, hư hỏng đồ đạc hay tài sản của gia chủ bị mất cắp, đã nảy sinh nhiều khó khăn trong cách giải quyết cho cả hai phía. Cũng chính vì không có hợp đồng nên nhiều chủ sử dụng lao động coi người GVGĐ như kẻ ăn, người ở và tự cho mình quyền đánh đập, chửi mắng. Bên cạnh đó, khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng cũng thiếu cơ sở pháp lý can thiệp. Con số được đưa ra tại hội thảo nói trên khiến nhiều người ngỡ ngàng khi có tới 20,2% người GVGĐ bị mắng chửi, 2,4% bị đánh đập, 16% có nguy cơ bị lạm dụng tình dục…
Hầu hết lao động giúp việc gia đình không có hợp đồng và không được đào tạo. |
Việc không có hợp đồng lao động với những thỏa thuận cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động có thể tự ý nghỉ việc, tự ý đòi tăng lương cũng như tình trạng người sử dụng tự ý cho lao động nghỉ khi không hài lòng. Mục 5 của Bộ Luật Lao động năm 2012 đã quy định những vấn đề liên quan đến lao động GVGĐ nhưng lại khó áp dụng vào thực tế vì chưa cụ thể. Theo các nhà nghiên cứu, cần thiết phải ban hành một nghị định với hướng dẫn chi tiết, đồng thời Bộ chủ quản cũng cần đưa ra một hợp đồng lao động mẫu với nội dung thật cụ thể, như: Công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi thường vật chất, an toàn vệ sinh lao động, thời hạn hợp đồng… Và rất cần thiết phải giới thiệu rộng rãi mẫu hợp đồng này để người có nhu cầu sử dụng cũng như người có nhu cầu làm GVGĐ tham khảo và dùng để thương thảo.
Một vấn đề khác đáng lưu tâm, được đặt ra trong hội thảo là vấn đề quản lý lao động GVGĐ tại địa phương. Theo nghiên cứu, có tới gần 70% người sử dụng lao động và người lao động chưa đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương nơi làm việc với lý do "nay họ làm cho nhà mình, mai làm cho nhà khác thì cần gì đăng ký tạm trú". Vì thế mới xảy ra tình trạng địa phương nơi người lao động sinh sống không nắm được họ đi đâu, làm gì. Còn địa phương nơi người lao động đến làm việc không biết được số lượng người GVGĐ là bao nhiêu. Do đó, đã đến lúc cần quy định rõ cá nhân, bộ phận nào ở phường, xã chịu trách nhiệm về công tác khai báo, đăng ký lao động GVGĐ. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung thống kê lao động GVGĐ vào biểu mẫu thống kê các cấp, đồng thời khuyến khích tổ dân phố tham gia theo dõi, quản lý việc sử dụng lao động GVGĐ tại địa bàn.
Đào tạo nghề thế nào?
Theo kết quả nghiên cứu của GFCD, trình độ học vấn của lao động GVGĐ không cao, đa số chỉ học hết THCS, đặc biệt có 22-31,8% người giúp việc có trình độ tiểu học trở xuống, thậm chí có người còn không biết chữ. Cũng theo GFCD, tới 98,4% lao động GVGĐ tại Việt Nam chưa qua đào tạo, vì thế 21,7% người lao động gặp khó khăn do không biết làm việc. Hiện nay, có không ít tổ chức tham gia đào tạo GVGĐ như trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề tư nhân, công ty xuất khẩu lao động… Tuy nhiên, chủ yếu chỉ đào tạo để giới thiệu đi xuất khẩu lao động chứ không phục vụ thị trường trong nước. Chính vì vậy, người giúp việc có muốn học cũng không biết học ở đâu. Đây cũng là nguyên nhân khiến người sử dụng lao động cho họ thôi việc khi không thấy hài lòng.
Để giải quyết vấn đề này, theo TS Ngô Thị Ngọc Anh (GFCD), cơ quan chức năng mà cụ thể là Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - TB&XH) cần tập trung xây dựng khung chương trình và giáo trình đào tạo nghề GVGĐ. Nội dung đào tạo nên bao gồm hai phần chính: Các kiến thức và kỹ năng để thực hiện công việc; kiến thức pháp luật, xã hội cơ bản để tìm kiếm việc làm và duy trì việc làm bền vững. Trước mắt, Tổng cục Dạy nghề có thể hỗ trợ tổ chức thực hiện thử nghiệm chương trình đào tạo nghề và giáo trình GVGĐ ở một thành phố tiếp nhận nhiều lao động GVGĐ và một vài địa phương có nhiều người đi làm GVGĐ, từ đó đưa ra một chương trình và giáo trình đào tạo chuẩn. Cũng theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, cơ quan chức năng cũng nên tham khảo giáo trình dạy nghề của các nước đã coi lao động GVGĐ là một nghề và có chương trình đào tạo nghề riêng như Brazil, Nam Phi. Điều này giúp tiết kiệm chi phí vì không phải bất cứ nghề gì chúng ta cũng có thể biên soạn giáo trình được. Hiện nay, ở Việt Nam, người lao động muốn được cấp chứng chỉ nghề thì phải qua ba tháng đào tạo nhưng đối với nghề GVGĐ, qua nghiên cứu và thử nghiệm đào tạo của GFCD thì thực tế thời gian đào tạo có thể rút ngắn lại hai tuần, trong đó 1/3 thời gian dành cho kiến thức cơ bản, 2/3 còn lại cho việc thực hành.
Hướng đi cho vấn đề đào tạo nghề là như vậy nhưng bao giờ GVGĐ chính thức trở thành một nghề còn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng.
TS Ngô Thị Ngọc Anh cho rằng, có thể học tập kinh nghiệm quản lý loại hình lao động trên của Philippines. Quốc gia này có chính sách đào tạo cho lao động GVGĐ như một nghề. Người học nghề được dạy những kỹ năng như nấu ăn, chuẩn bị bữa ăn, dọn phòng, giặt ủi quần áo, lau chùi nhà tắm, chăm sóc trẻ sơ sinh, người cao tuổi… Philippines cũng có luật dành cho người giúp việc, trong đó bảo đảm quyền tiếp cận với giáo dục và đào tạo của người lao động. Chính phủ nước này cũng quy định, người sử dụng lao động và người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng phải được đăng ký với đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất của chính quyền địa phương. |