Đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2013: Thận trọng trước tốc độ giải ngân
Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 31/08/2013
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8 năm 2013, cả nước có thêm 769 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 7,405 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012. Con số trên cho thấy diễn biến trái ngược với sự lo ngại của một số chuyên gia về khả năng thu hút vốn ĐTNN của ta có thể sẽ dần "co ngót" trước sự cạnh tranh rất quyết liệt của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, 297 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,22 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Xu hướng này có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới bởi làn sóng tái cơ cấu địa bàn đầu tư của phần lớn doanh nghiệp (DN) ĐTNN, nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số nước ASEAN. Tính chung 8 tháng, tổng vốn ĐTNN cấp mới và tăng thêm là 12,63 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ, là con số đáng ghi nhận.
Đầu tư nước ngoài trong những tháng qua vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Bá Hoạt |
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được sự quan tâm của giới ĐTNN, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 10,817 tỷ USD, chiếm 85,7% vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký bởi nhà đầu tư nước này vẫn xác định Việt Nam là nơi tiếp nhận vốn, đặt cơ sở sản xuất phục vụ xuất khẩu. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn khi DN Nhật tích cực thực hiện cam kết giữa hai Chính phủ về việc triển khai giai đoạn V của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó, nội dung chủ yếu là tham vấn, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; từ đó tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ Nhật Bản nói riêng, kết hợp kêu gọi ĐTNN nói chung.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,56 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ. Như vậy, hoạt động ĐTNN đang có những tiến bộ đáng ghi nhận.
Tiếp nhận dự án - Chọn lọc kỹ
Mặc dù bức tranh ĐTNN đang mang nhiều mảng sáng nhưng một số chuyên gia sớm cảnh báo, tốc độ giải ngân của các dự án ĐTNN tính đến hết tháng 8 đang chậm lại và hiện chỉ còn 3,8% so với mức tăng trên 5% của những tháng trước. Thực tế này cần sự quan tâm tìm hiểu nguyên nhân, bù đắp và hỗ trợ cho DN ĐTNN gia tăng tốc độ giải ngân.
Tiếp đó, Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt với các nước láng giềng cùng thu hút vốn ngoại, trong đó có Thái Lan và Indonesia vốn đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và thành công. Gần đây, Myanmar nổi lên và thu hút giới đầu tư nhờ sự mở cửa "rất thoáng" và lập tức hấp dẫn dòng vốn quốc tế. Để tăng sức hấp dẫn đầu tư, không còn cách nào khác, cơ quan chức năng phải nhanh chóng đồng bộ hóa hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư và cải thiện môi truờng đầu tư - kinh doanh theo hướng tăng cường ưu đãi nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không làm được yêu cầu trên, Việt Nam có thể tụt hậu trong cuộc đua giành vốn ĐTNN.
Đặc biệt, những năm gần đây xuất hiện một số dự án quy mô lớn hoặc rất lớn, trong đó có dự án đang triển khai suôn sẻ nhưng cũng có trường hợp không thực hiện, thậm chí vi phạm các cam kết. Đó là nguyên nhân gây ra tình trạng vốn ảo, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam. Đã đến lúc tập trung nâng cao chất lượng dự án, chọn lọc kỹ thay vì dễ dàng chấp nhận như giai đoạn trước, trong đó đề cao tiêu chí công nghệ, tiết kiệm nguồn đất, khả năng xuất khẩu của dự án xin cấp phép.
Các chuyên gia khuyến nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng một số dự án lớn, có tầm lan tỏa rộng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế liên vùng, liên ngành để kiên trì mời gọi đối tác đủ năng lực tài chính và thiện chí. Thu hút được dự án như vậy sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu tổng hợp về giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho địa phương, tăng kim ngạch xuất khẩu, quan trọng hơn là tạo sức bật và dịch chuyển cơ cấu kinh tế khu vực theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm kết hợp tăng hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng tính trên mỗi sản phẩm.