Biểu tượng về lòng can đảm
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:35, 31/08/2013
Bất chấp nguy hiểm, bằng những hành động thiết thực để vận động cho quyền được đi học của trẻ em gái tại Pakistan, Malala Yousafzai trở thành một biểu tượng về lòng can đảm của tuổi trẻ khi sẵn sàng đương đầu với cái ác đe dọa cuộc sống của con người.
Malala Yousafzai phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 12.7 - Ảnh: Reuters |
Sinh ngày 12-7-1997, là một nữ sinh đến từ thị xã Mingora ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (Pakistan), Yousafzai được nhiều người biết đến với hoạt động nữ quyền của mình ở thung lũng Swat, vùng núi cách Islamabad 3 giờ xe hơi. Đó là một nơi nổi tiếng thu hút khách du lịch Pakistan trước khi Taliban tiếp quản, đóng cửa trường học của các bé gái, bắt đàn ông để râu và chặt đầu các đối thủ của họ. Đầu năm 2009, tức là lúc cô bé lên 11 tuổi, Yousafzai đã thu hút sự chú ý của mọi người khi cô viết blog cho BBC kể chi tiết cuộc sống của cô dưới chế độ Taliban, nỗ lực của Taliban kiểm soát thung lũng và quan điểm của cô bé về xúc tiến giáo dục cho nữ giới. Mùa hè năm sau, một bộ phim tài liệu của New York Times về cuộc sống của Yousafzai khi quân đội Pakistan can thiệp vào khu vực, dẫn đến cuộc chiến thứ hai tại Swat. Yousafzai bắt đầu nổi tiếng khi giữ vị trí chủ tịch hội đồng trẻ em huyện Swat và tham gia các cuộc phỏng vấn của nhiều hãng truyền thông. Với những nỗ lực không mệt mỏi, cô bé đã được trao tặng giải hòa bình trẻ quốc gia của Pakistan và đề cử giải thưởng hòa bình trẻ em quốc tế của Desmond Tutu.
Tuy nhiên, chuỗi ngày hoạt động xã hội của Yousafzai đã phải gián đoạn khi cuối năm 2012, khi đang di chuyển trên một chiếc xe buýt từ trường học về nhà, cô bé đã bị 2 sát thủ của nhóm tàn quân Taliban xả súng bắn. Vết thương quá nặng khiến Yousafzai bất tỉnh và ở trong tình trạng nguy kịch suốt gần một tuần lễ sau đó. Đến ngày 15-10-2012, cô đã được chuyển sang Anh để tiếp tục điều trị.
Vụ ám sát đã khiến dư luận Pakistan phẫn nộ. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra để phản đối vụ tấn công hèn hạ, nhất là tại thành phố quê hương Mingora của Malala. Làn sóng phản đối Taliban và cầu nguyện cho Yousafzai đã lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác. Trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook… cái tên Yousafzai được cư dân mạng cả thế giới tôn vinh như một nữ anh hùng.
Hiện tại, sức khỏe của nhà hoạt động xã hội 16 tuổi đang hồi phục tốt. Tuy nhiên, một bên mặt Yousafzai đã bị biến dạng và đến giờ em vẫn chưa thể về nước vì lý do an ninh. Nghị lực phi thường cùng bài phát biểu đầy cảm xúc về quyền được đi học tại Liên hợp quốc hồi tháng 7 vừa qua đã gây một tiếng vang lớn trong dư luận toàn thế giới. Tạp chí Times đã đưa Yousafzai vào danh sách nhân vật của năm 2013. Còn Taliban tuyên bố rất hối tiếc vì vụ ám sát.
Được biết, trong thời gian tới, Yousafzai sẽ ra mắt cuốn sách kể về cuộc đời mình có tựa đề "Tôi là Malala". Đại diện nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson của Anh - đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách - cho biết: "Cuốn sách này sẽ là minh chứng cho lòng dũng cảm, sự gan dạ và tầm nhìn của một cô bé còn rất trẻ. Malala quá trẻ so với những gì mà em đã trải qua. Chúng tôi tin rằng cuốn sách kể về cuộc đời Malala sẽ truyền cảm hứng cho người đọc ở nhiều thế hệ khác nhau - những người tin vào quyền bình đẳng trong giáo dục và quyền tự do để được theo đuổi nó".