Khi quan tham ngã ngựa
Thế giới - Ngày đăng : 07:26, 31/08/2013
Với nhiều tình tiết phức tạp cần được làm sáng tỏ, dự kiến đầu tháng 9 tới, Tòa án trung cấp nhân dân Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông - miền Đông Trung Quốc - sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với những tội danh mà cựu chính trị gia nổi tiếng một thời này phạm phải. Tuy nhiên, vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc nhiều thập kỷ qua vẫn chưa hề khép lại trong dư luận khu vực cũng như mối quan tâm của báo giới toàn cầu.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu chính trị gia Bạc Hy Lai (áo trắng) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. |
Sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), Bạc Hy Lai là con trai cố Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba, người từng hỗ trợ nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách "cải cách và mở cửa" sau năm 1979. Con đường "quan lộ" của Bạc Hy Lai khá suôn sẻ kể từ khi ông được bầu làm Thị trưởng TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, năm 1993, rồi trở thành Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, Bộ trưởng Thương mại sau đó cho đến khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2007. Ông từng được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho một vị trí trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc - khi quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra vào cuối năm 2012. Song sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai đã bị "đặt dấu chấm hết" từ ngày 10-4-2012 khi ông bị đình chỉ chức vụ trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì vướng vào vòng kiện tụng.
Theo cáo trạng mới nhất tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vừa qua, Bạc Hy Lai bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm chính trong vụ cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh - cựu Phó Thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân bỏ chạy vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (Trung Quốc) cũng như vụ doanh nhân người Anh Neil Heywood bị vợ ông - bà Cốc Khai Lai sát hại. Không dừng lại ở đó, vị cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh này còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ trục lợi bất chính, tự tay hoặc thông qua gia đình nhận các khoản hối lộ khổng lồ. Quyền lực của Bạc Hy Lai cũng bị người vợ Cốc Khai Lai lợi dụng, tranh thủ kiếm lợi. Bên cạnh đó, Bạc Hy Lai còn có quan hệ bất chính với một số phụ nữ. Các điều tra cho thấy, Bạc Hy Lai đã vi phạm các nguyên tắc kỷ luật cá nhân cũng như tổ chức, có những quyết định sai lầm trong bổ nhiệm nhân sự dẫn tới hậu quả nghiêm trọng và còn nhiều chứng cứ thể hiện sự liên quan của ông này trong các hành vi phạm pháp khác.
Bất chấp những cáo buộc trên của tòa án, chính trị gia bị thất sủng Bạc Hy Lai vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc rằng ông đã tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Bạc Hy Lai chỉ nhận "một số trách nhiệm" đối với khoản tiền 5 triệu nhân dân tệ (800.000 USD) mà ông bị tố biển thủ và sau đó được tìm thấy trong các tài khoản của bà Cốc Khai Lai. Vì thế, cơ quan công tố viên đã đề nghị Tòa án trung cấp nhân dân Tế Nam tuyên phạt nặng đối với Bạc Hy Lai do thiếu sự ăn năn liên quan tới cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
Dù chưa tuyên án nhưng việc đưa "ngôi sao bị thất sủng" Bạc Hy Lai ra xét xử công khai đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây không chỉ là bài học đắt giá đối với những vị quan tham lợi dụng chức vụ để vi phạm pháp luật, mà còn cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực loại trừ "quốc nạn" tham nhũng. Phát biểu trong một hội nghị chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, chống tham nhũng không chỉ nhằm vào "ruồi nhặng" mà phải đánh cả những "con hổ lớn". Trong bối cảnh đó, việc đưa cựu chính trị gia Bạc Hy Lai ra ánh sáng công lý được xem là một phần quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ Trung Quốc.