Nợ công Mỹ sắp chạm trần: Cảnh báo đỏ

Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 31/08/2013

(HNM) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew vừa đưa ra lời cảnh báo mới nhất rằng việc trì hoãn nâng mức trần nợ công sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Trong bức thư gửi lên Quốc hội Mỹ, ông Lew ước tính nguy cơ nợ công nước này chạm mức trần 16.700 tỷ USD vào giữa tháng 10 tới sẽ khiến Bộ Tài chính chỉ với 50 tỷ USD tiền mặt không có khả năng chi trả các khoản an sinh xã hội, lương hưu hay lương bắt buộc. Trên thực tế, nợ công Mỹ đã chạm trần giữa tháng 5 vừa qua.

Trì hoãn nâng mức trần nợ công luôn gây ra những hậu quả bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ.



Từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng một số biện pháp đặc biệt để tiếp tục chi trả các hóa đơn của chính phủ theo đúng thời hạn. Nhưng đến giữa tháng 10, các biện pháp này cũng sẽ hết tác dụng. Không thể vay thêm từ thị trường, Bộ Tài chính cũng sẽ không có đủ tiền để chi trả cho Mỹ trong thời gian tới. Như vậy, nếu Quốc hội không kịp thời nâng trần, nước Mỹ lại đứng trước bờ vực vỡ nợ. Theo thống kê, mỗi năm Chính phủ Mỹ chi tiêu hơn 3.500 tỷ USD. Hiện nợ công của Mỹ khoảng 16.700 tỷ USD và tiếp tục tăng do chính phủ chi nhiều hơn thu. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo trong 10 năm tới, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thâm hụt thêm khoảng 4.000 tỷ USD, càng chất thêm gánh nặng lên món nợ quốc gia lúc nào cũng trong tình trạng chạm trần.

Tuy nhiên, khác với nợ công Châu Âu, vấn đề nợ công của Mỹ nằm ở bất đồng chính trị hơn là chuyện nước Mỹ thiếu nguồn tài chính thật sự. Cục diện hiện nay của Mỹ chủ yếu do bất đồng giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa về gói cắt giảm thâm hụt ngân sách. Trong đàm phán giữa nghị sỹ hai đảng, trở ngại chính là việc đảng Cộng hòa phản đối tăng thuế, trong khi đảng Dân chủ muốn giữ các chương trình xã hội cho người nghèo, người cao tuổi và một chương trình hưu trí công. Chính những bất đồng sâu sắc trên đã đẩy hai đảng vào cuộc chiến nâng trần nợ và từng đưa xứ Cờ hoa tới nguy cơ vỡ nợ vào năm 2011. Thời điểm đó, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đi đến thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh cạn sạch ngân sách. Cuộc đối đầu giữa hai đảng lúc bấy giờ đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ phải hứng chịu tổn thất khá nặng nề. Thậm chí, ngay cả khi dự luật nâng trần nợ được Quốc hội thông qua, các cổ phiếu vẫn tiếp tục lao dốc. Hậu quả là lần đầu tiên kinh tế Mỹ bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's hạ một bậc xếp hạng xuống AA+. Bài học chưa cũ này cho thấy những tranh cãi không hồi kết về nợ công của các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đẩy đất nước tới bờ vực nguy hiểm như thế nào.

Thế nên, cuộc chiến nâng trần nợ sắp tới được giới phân tích dự đoán sẽ còn phức tạp hơn khi Quốc hội nhóm họp trở lại vào ngày 9-9. Các nhà làm luật vẫn chưa thông qua ngân sách cho năm 2014 và không thống nhất sẽ giữ nguyên hay sửa đổi chương trình cắt giảm chi tiêu tự động. Hơn nữa, tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner hồi tháng 7 vừa qua rằng đảng Cộng hòa sẽ không nâng trần nợ trừ khi chính phủ cắt giảm chi tiêu thực sự để giảm thâm hụt ngân sách có thể coi là tín hiệu của một cuộc chiến mới mà đảng này sẵn sàng tham gia. Một số lãnh đạo của đảng Cộng hòa còn nhấn mạnh sẽ sử dụng yêu cầu nâng trần nợ như một sức ép để buộc Nhà Trắng phải có nhượng bộ trong cắt giảm ngân sách và các chương trình phúc lợi.

Đứng trước những khó khăn như vậy, Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ không đàm phán trần nợ theo cách như đã diễn ra trong năm 2011. Theo Thượng nghị sỹ Chuck Schumer, Quốc hội sẽ thông qua nâng trần nợ mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào bởi gắn các vấn đề khác với trần nợ giống "đùa với lửa". Dẫu vậy, nhiều nhà phân tích dự đoán chưa thể loại trừ khả năng xứ Cờ hoa một lần nữa có thể sẽ phải đối mặt với sự căng thẳng như từng xảy ra. Và sự lặp lại của cuộc chiến đó chính là điều đáng lo ngại nhất đối với thị trường vào lúc này, khi nền kinh tế Mỹ chưa hồi phục đủ mạnh và kế hoạch can thiệp quân sự tại Syria vẫn còn để ngỏ. Đến lúc này, vấn đề tăng trần nợ công và giải quyết hài hòa những tồn tại liên quan tới việc cắt giảm chi tiêu tiếp tục là những thách thức đối với chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Thùy Dương