Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng
Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 31/08/2013
Các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng nhằm phục vụ quá trình cải cách tư pháp, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn về công chứng và chứng thực hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị luật phải phân định rõ giữa "công chứng thực" và "tư chứng thực" để phân biệt giữa Nhà nước và tư nhân thì mới sửa đổi luật cho đúng; mặt khác, nên chuyển đổi các phòng công chứng nhà nước thành văn phòng công chứng tư nhân, vì nghề công chứng đang phát triển rất mạnh nên Nhà nước không cần thiết tổ chức ở các thành phố lớn mà chỉ nên thành lập phòng công chứng ở các vùng sâu, vùng xa vốn đang rất thiếu, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, giúp tinh giản bộ máy nhà nước và thực hiện xã hội hóa công chứng.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, dự kiến tháng 10 tới, Việt Nam sẽ gia nhập Liên minh công chứng thế giới. Như vậy, hoạt động công chứng sẽ theo kiểu công chứng la tinh (công chứng nội dung). Khi gia nhập Liên minh này, công chứng là dịch vụ công, công chứng viên là công lại, được cơ quan thẩm quyền nhà nước bổ nhiệm, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật như viên chức… và phải chịu sự quản lý của Nhà nước, của Hội Công chứng (Hội Nghề nghiệp bắt buộc đối với các công chứng viên).