Thiếu chế tài, nhiều tiêu cực ngầm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 31/08/2013

Kết quả công tác chống tiêu cực trong việc tuần tra, kiểm soát còn hạn chế (HNM) - Ngày 30-8, trả lời chất vấn của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (QH) về tình trạng lộn xộn trong cấp phép kinh doanh vận tải, xe chở quá tải, quá khổ nhưng cơ quan chức năng làm ngơ,

Cần có những giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý xe quá tải, quá khổ.
Ảnh: Văn Phòng


Chưa hạn chế được các hành vi tiêu cực

Đăng đàn chất vấn, các đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai), Trần Đình Thu (đoàn Gia Lai), Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết giải pháp chấm dứt những bất cập hiện nay trong cấp phép, xử lý xe quá tải… Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, thời gian qua Bộ GT-VT đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh nhưng vẫn thiếu giải pháp quyết liệt. Minh chứng rõ nhất là 16/63 Sở GT-VT vẫn chưa có phòng quản lý vận tải. Công tác xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Hiện tượng các hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ đứng ra làm đầu mối pháp lý mà không tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải diễn ra phổ biến.

Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga phản ánh: Xe chở quá tải, quá khổ chạy từ Nam ra Bắc xuất hiện với tần suất dày đặc. Lái xe nghiễm nhiên đi qua các chốt có lực lượng cảnh sát, thanh tra mà không ai phản ứng. Trong khi đó, đánh giá về mức độ tiêu cực trong lĩnh vực quản lý giao thông, Tổ chức Minh bạch thế giới nhận định, lực lượng CSGT đứng tốp đầu; lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt lại phát biểu CSGT nhận dăm ba chục, một trăm mà nói là tham nhũng thì không đáng. Thế nhưng, khi tai nạn xảy ra, chúng ta vẫn thường đánh giá đó là do ý thức của người điều khiển, người tham gia giao thông là chưa công bằng. Bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi, có phải tham nhũng nảy nở, sinh sôi do chính cách nhìn của người đứng đầu một số cơ quan đơn vị quản lý chưa nghiêm không?

Về vấn đề này, người đứng đầu ngành GT-VT thừa nhận có tiêu cực trong công tác tuần tra kiểm soát và khẳng định Bộ GT-VT và Bộ Công an luôn phối hợp chỉ đạo để hạn chế tham ô, tham nhũng nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Gần đây nhất, đáng lẽ cần chấn chỉnh và tiếp tục duy trì hoạt động trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) thì cơ quan quản lý lại buông lỏng trong thời gian dài để cho xe quá tải tự tung tự tác, làm ảnh hưởng đến đường sá. Giải pháp trước mắt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Chỉ khi người thực thi pháp luật không dung túng, bao che sai phạm, ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm thì mới hạn chế được tiêu cực.

Liên quan đến tình trạng sắp xếp quy hoạch xe khách tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chưa hợp lý, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho biết, người dân phản ánh có sự can thiệp của cán bộ để doanh nghiệp được phép hoạt động tại bến xe này nhưng Bộ GT-VT cũng như cá nhân Bộ trưởng chưa nhận được đơn, thư cũng như tố cáo nào của doanh nghiệp. Hiện Bộ GT-VT giao cho Thanh tra Bộ tiếp tục làm rõ bản chất sự việc. Khi có kết quả, Bộ GT-VT sẽ báo cáo Quốc hội.

Xảy ra sai phạm, chủ xe chịu trách nhiệm

Cho rằng câu trả lời của người đứng đầu ngành GT-VT chưa thuyết phục, các đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai), Trần Đình Thu (đoàn Gia Lai) khẳng định, cách giám sát, quản lý phương tiện vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng như trên còn đơn giản, hình thức. Hiện mới xử lý được xe chở quá trọng tải của xe, còn những xe chở quá trọng tải mà đường sá chịu được thì chưa. Hậu quả là từ quốc lộ đến tỉnh lộ đều hỏng. Theo đại biểu Ngô Văn Hùng, chính do buông lỏng cấp phép, quản lý, khiến nhiều doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, trong khi đó nhiều lái xe yếu kém về tay nghề, đạo đức, sức khỏe..., chạy quá tốc độ, tải trọng, tranh giành khách khiến tai nạn giao thông không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Thừa nhận tình trạng này, người đứng đầu ngành GT-VT cho biết, hiện có 60-70% xe chở quá tải, thậm chí chở gấp đôi, gấp ba lần tải trọng cho phép thì không đường sá nào chịu nổi. Kết quả kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố cho thấy, có 6 tỉnh, thành phố chưa quan tâm công tác quản lý cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải cho đơn vị vận tải công ten nơ. Điển hình, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh mới cấp phép cho 98/1.710 đơn vị (5,7%), Sở GT-VT Hải Phòng mới cấp 46/1.300 đơn vị (3,6%). Lại có nơi, hồ sơ cấp phép được báo cáo đủ nhưng trên thực tế thiếu, chưa kể có trường hợp "ngầm" cho nợ tiêu chuẩn để cấp giấy phép. Để hạn chế tiêu cực, trong một số quy trình kiểm tra, kiểm soát, máy móc sẽ làm thay con người. Cụ thể, tới đây các tỉnh, thành phố sẽ được trang bị trạm cân kiểm tra tải trọng xe; tăng cường thể chế, giám sát trong các khâu cấp phép. Vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý cần phải thực hiện tốt.

Cũng theo ông Đinh La Thăng, với việc xử lý xe quá tải từ trước tới nay chủ yếu đổ lỗi cho lái xe mà không quy trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ kinh doanh vận tải trong khi người lái xe chỉ là người làm công ăn lương. Do đó, thời gian tới Bộ GT-VT tập trung xử lý tận gốc vấn đề đó là quy trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện khi để xảy ra sai phạm, vi phạm. Đây được cho là một trong giải pháp mới sẽ mang lại hiệu quả.

Ngoài những giải pháp này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, bảo đảm tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở dẫn đến các tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đồng thời, ngành nên nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống vận chuyển hành khách tại các thành phố lớn và các vùng miền, sắp xếp lại bến bãi. Nghị quyết của Quốc hội đề ra mỗi năm giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% nhưng với diễn biến hiện nay, để đạt được không đơn giản. Chính phủ, Quốc hội không chỉ đề cao trách nhiệm của Bộ GT-VT mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp.

Bách Sen