Về vụ “lương khủng”: Sự thật chua xót
Tài chính - Ngày đăng : 06:02, 31/08/2013
Còn trong phương án ký kết lại hợp đồng lao động, vị "sếp" này còn "chia sẻ" với người lao động chỉ được ký hợp đồng mùa vụ dù nhiều năm gắn bó, cùng công việc nhưng quyền lợi luôn thấp hơn người được ký chính thức là "nỗi day dứt của lãnh đạo công ty…". Sự thực theo công bố của UBND TP Hồ Chí Minh thì khác.
Công việc nặng nhọc hằng ngày của công nhân Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh. |
Dùng công nhân làm bình phong?
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, khi UBND TP chỉ đạo về việc chi trả tiền lương, lãnh đạo một đơn vị công ích sai phạm còn làm đơn gửi lên Thành ủy cho rằng UBND TP chỉ đạo thực hiện như vậy là giảm nguồn thu của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ công nhân viên. Cụ thể, tại văn bản gửi Thành ủy, UBND TP, ông Trần Thiện Hà (Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh), cho hay theo Quyết định số 5626/UBND-ĐTMT về việc điều chỉnh hệ số chi phí nhân công, máy thi công theo mức lương tối thiểu mới đối với lĩnh vực đơn vị công ích trên địa bàn thành phố cho phép ngành công viên, cây xanh (khu vực 1) áp dụng là 2 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ ngày 1-10-2011 đến 31-12-2012. Tuy nhiên, đến ngày 23-7-2013, UBND thành phố ra văn bản số 3767/UBND-CNN về mức lương tối thiếu áp dụng khi xây dựng đơn giá tiền lương theo sản phẩm đối với hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích năm 2012 lại quy định mức lương tối thiểu không quá 1.512.500 đồng/tháng cho người lao động. Theo ông Hà, nếu thực thi theo chỉ đạo TP thì các chỉ tiêu về kế hoạch tài chính năm 2012 của công ty bị ảnh hưởng. Trong đó, doanh thu dự kiến giảm gần 73 tỷ đồng (giảm 19% so với kế hoạch) và như thế chỉ tiêu lợi nhuận không đạt so với kế hoạch của thành phố giao. Đặc biệt, ông Hà cho rằng người lao động phải hoàn trả lại phần tiền lương chênh lệch đã được lĩnh là 49,3 tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống gần 1.500 người lao động mà đa số là lao động nghèo, khó khăn. Từ đó, ông Hà khẩn khoản: "Chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị các đồng chí lãnh đạo thành phố xem xét và chấp thuận cho công ty thực hiện mức lương với đơn giá năm 2012 là 2 triệu đồng/tháng để không bị truy thu số tiền trên".
Trước vấn đề này, ông Lê Hoàng Quân thẳng thắn: "Đúng là có giảm thật, nhưng giảm là giảm của công nhân do mấy ông thực hiện không đúng chủ trương. Chứ còn lương của ban quản lý, ban giám đốc thì cao ngút trời".
Tại cuộc họp ngày 29-8, cơ quan chức năng TP cho hay, ngày 30-8 sẽ công bố tiếp 8 doanh nghiệp công ích sai phạm tương tự 4 đơn vị nêu trên. Tuy nhiên, ngày 30-8 ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thành phố, cho biết hiện chưa thể công bố danh sách này mà sẽ trình lên UBND thành phố xem xét và công bố sau. |
Đằng sau nỗi "day dứt"
Theo điều tra của chúng tôi, trước khi vụ "lương khủng" bị phanh phui rất lâu, ngày 8-11-2012, ông Trần Thiện Hà ký văn bản số 1340/PA-CVCX.TCHC về phương án ký kết lại hợp đồng lao động với lao động mùa vụ cho 330 người tại đơn vị này. Theo đó, ngôn từ văn bản đầy sự ghi nhận, cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ với người lao động. "Quá trình phát triển của lực lượng lao động mùa vụ cũng là thời kỳ ăn nên, làm ra của công ty. Họ là động lực trực tiếp đóng góp không nhỏ trong việc tạo ra lợi nhuận hằng năm… Có những người gắn bó với công ty nhiều năm, quyền lợi được hưởng luôn thấp hơn so với người lao động được ký hợp đồng lao động chính thức dù cùng một việc như nhau. Đó là nỗi day dứt của lãnh đạo công ty, điều bức xúc của người lao động mùa vụ". Tuy nhiên, văn bản vẫn "chốt hạ": Ký hợp đồng lao động không quá 2,5 tháng!
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Huỳnh Thanh Khiết, việc ký hợp đồng như vậy là vi phạm Luật Lao động. Mục đích của việc ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng trong khi công nhân có đủ điều kiện để ký hợp đồng không thời hạn là nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Sau đó, các doanh nghiệp này nhập nhằng lấy quỹ lương của người lao động chi cho khen thưởng, chi lương cho cán bộ quản lý. Việc này sai cả về quản lý tài chính lẫn về đạo đức.