Trường Mầm non chật chội đến bao giờ?

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 30/08/2013

(HNMO)- Huyện Gia Lâm (Hà Nội) hiện rất nhiều nơi thiếu lớp học dành cho cấp học mầm non. Đặc biệt, trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, từ nhiều năm nay, vẫn loay hoay chưa bố trí được quỹ đất để  mwor rộng trường Mầm non, đáp ứng nhu cầu lớp học dành cho các cháu. Ngột ngạt vì quá chật hẹp

Trong dịp hè vừa rồi, đến trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ, ai cũng toát mồ hôi hột khi chứng kiến cảnh các cô giáo và các cháu mẫu giáo ở trong những lớp học chật chội, ngột ngạt vì hơi người; bên cạnh đó, cả Ban Giám hiệu nhà trường, công đoàn, thủ quỹ, kế toán đều ở chung một phòng hội trường vì không có phòng riêng. Khuôn viên nhà trường quá chật hẹp nên mọi vật dụng trò chơi, như: xích đu, đu quay, cầu trượt... được dồn vào một góc sân trường.

Thời điểm nghỉ hè mà còn vậy, không biết bước vào năm học mới tình cảnh tại trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ (khu trung tâm) sẽ như thế nào? Trao đổi điều này với cô giáo Lê Thị Hân, Hiệu trường trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ được biết, trên địa bàn thị trấn ngoài các cơ quan của UBND huyện, còn có trường Đại học nông nghiệp Hà Nội nên dân cư rất đông đúc với 3.845 hộ, hơn 25.450 nhân khẩu, trong đó số trẻ trong độ tuổi mầm non hơn 2.110 cháu. Trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ có nhiệm vụ tiếp nhận hơn 1.780 cháu (chưa kể đến các cháu là con em của các hộ tạm trú trên địa bàn). So với diện tích hiện có của trường, thì số trẻ trong độ tuổi mầm non quá đông.

So với nhu cầu thực tế, trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ hiện còn thiếu hơn 8.000m2 đất để mở rộng trường, lớp


Năm học 2012-2013 vừa qua, trường có 18 nhóm lớp (trong đó có 6 lớp học nhờ nhà văn hóa các tổ dân phố), với tổng số trẻ đến trường hơn 800 cháu (so với độ tuổi mới chỉ đạt 45%). Khu trung tâm của trường gồm 12 lớp học, với tổng diện tích cả khu 1.550m2. Theo cô Hân, so với điều lệ trường mầm non quy định 1 trẻ/12m2 (sàn, sân, vườn chơi), thì khu trung tâm của trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ vẫn còn thiếu 8.050m2.

Như vậy, bình quân mỗi nhóm lớp có 554 trẻ, cộng thêm 3-4 giáo viên/lớp, bình quân diện tích phòng học dành cho mỗi lớp sử dụng cho mọi hoạt động khép kín (nhà vệ sinh, phòng kho, phòng đồ dùng) là 60m2. Cô Hân ngậm ngùi: “Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè oi bức, lớp học lại chật hẹp, trong khi các cháu quá đông, khiến cháu nào cháu nấy mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ gay. Trông quả tội nghiệp!”

Khuôn viên của trường mầm non Trâu Quỳ quá chật hẹp nên không gian dành cho các cháu vui chơi ngoài giờ gặp rất nhiều khó khăn


Cô giáo Nguyễn Kim Tuyên, Phó hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ cho biết thêm, hiện nay, khu trung tâm của nhà trường chưa có phòng chức năng, hội trường thì được ngăn ra các phòng nhỏ dành cho Ban giám hiệu. “Diện tích phòng học còn chưa đủ, nói gì đến không gian để các cháu vui chơi, làm quen và thân thiện với môi trường tự nhiên, phát triển một cách toàn diện? ”- cô Tuyên tự hỏi.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ, trên địa bàn thị trấn còn có trường mầm non công lập Hoa Phượng, tình cảnh còn “bi đát” hơn. Với tổng diện tích vỏn vẹn 400m2, được xây cao tầng, khép kín và biệt lập với bên ngoài nên các cháu học sinh đến lớp, ngoài việc vui chơi cùng các bạn, được cô giáo dạy múa, dạy hát, thì các cháu cũng chẳng khác gì khi ở nhà.

Bao giờ mới có đất xây trường?

Theo cô Lê Thị Hân, nhà trường đã tham mưu với chính quyền thị trấn dự kiến quỹ đất mở rộng khuôn viên trường với tổng diện tích khoảng 8.000m2, nhưng vì diện tích đất đó “phạm” vào quy hoạch công viên cây xanh đã được UBND TP Hà Nội đã phê duyệt, nên kế hoạch của thị trấn không thực hiện được. Mặc dù đã nhiều lần nhà trường kiến nghị với các cấp lãnh đạo xem xét dành quỹ đất khác cho nhà trường nhưng đều không được, bởi hiện nay trên địa bàn thị trấn không còn quỹ đất II, toàn bộ diện tích đất canh tác còn lại đều đã giao cho các hộ dân sử dụng theo Nghị định 64. “Do đó, có lấy quỹ đất đó ra thì thủ tục giấy tờ trình các cấp để có quyết định thu hồi đất chắc cũng phải mất vài năm. Vậy, bao giờ mới có đủ lớp học để đạt được mục tiêu "Trẻ em hôm nay-Thế giới ngày mai!"- cô Hân bức xúc.

Theo lãnh đạo thị trấn Trâu Quỳ, tình trạng thiếu lớp học dành cho các cháu độ tuổi mầm non không phải đến bây giờ mới trở thành vấn đề bức xúc tại địa phương, mà tình trạng này đã được chính quyền thị trấn kiến nghị với các cấp, các ngành để giải quyết từ năm 2006 đến nay. Trong đó, tại rất nhiều buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Đoàn đại biểu HĐND TP Hà Nội... tại Gia Lâm đều đã ghi nhận phản ánh của cử tri thị trấn Trâu Quỳ về thực trạng này, nhưng đến nay nhân dân vẫn tiếp tục chờ các cấp, các ngành chức năng giải quyết vì vướng quy hoạch của thành phố.

Trường mầm non Hoa Phượng còn "tồi tệ" hơn thực trạng của trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ bởi diện tích chỉ vỏn vẹn 400m2


Được biết, UBND thị trấn Trâu Quỳ đã bố trí vị trí đất để xây dựng mở rộng trường mầm non thị trấn, đáp ứng nhu cầu về phòng học cho các cháu, nhưng do quỹ đất công không đủ, trong khi diện tích có thể mở rộng trường lại vướng vào đất quy hoạch công viên cây xanh đã được thành phố phê duyệt nên không thể thực hiện được. Vì thế, tình trạng thiếu đất xây trường mầm non cứ “nhùng nhằng” trong nhiều năm mà chưa thể giải quyết. Bởi vậy, không ít người dân thị trấn Trâu Quỳ lại “ước” thị trấn trở lại xã để có thể được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở đó có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội tốt hơn!

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm của Đoàn đại biểu HĐND TP Hà Nội vào ngày 13- 6-2013, ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, đúng là đang xảy ra tình trạng thiếu quỹ đất đề xây dựng trường học, lớp học cho các cháu mầm non trên địa bàn huyện Gia Lâm, bức xúc nhất là tại thị trấn Trâu Quỳ. Đối với thị trấn Trâu Quỳ, UBND huyện đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch diện tích đất công viên cây xanh để dành quỹ đất xây dựng trường mầm non thị trấn Trâu Quỳ nhằm đáp ứng đủ lớp học cho các cháu học sinh trên địa bàn.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người!” Việc “chọn” công viên cây xanh hay xây trường học dành cho các cháu độ tuổi mầm non tại thị trấn Trâu Quỳ đang là câu hỏi bức thiết đặt ra với các cấp, các ngành chức năng của TP Hà Nội. Nếu chọn “lợi ích trăm năm” thì cần phải sớm có quyết định, tránh tình trạng nhùng nhằng kéo dài vì những “mầm non của đất nước” có quyền được học tập trong môi trường giáo dục tốt hơn!

Hưng Thịnh