Cần giải pháp, tiêu chí cụ thể
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 30/08/2013
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều tuyến hè phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng… đã được cải tạo, song chưa đáp ứng hết yêu cầu chỉnh trang đô thị, cảnh quan kiến trúc và vệ sinh môi trường. Cùng với đó, thói quen bám vỉa hè kinh doanh, sự quản lý chồng chéo, việc xây dựng trụ sở, nhà ở hai bên đường, các công trình hạ tầng của nhiều đơn vị lắp dựng trên hè lâu nay không còn nhu cầu sử dụng nhưng không tháo dỡ… cũng khiến nhiều tuyến hè phố xuống cấp, nhếch nhác, mất mỹ quan. Số liệu thống kê của Sở GTVT cho thấy, trong số 624 tuyến đường tại 10 quận nội thành do thành phố quản lý, có hơn 2,4 triệu mét vuông hè. Số vỉa hè được đánh giá còn tốt là 229 tuyến, chiếm 37%, còn lại đã hư hỏng, xuống cấp.
Cần cải tạo hè phố đồng bộ để tránh tình trạng vừa làm xong lại phá gây mất mỹ quan thành phố. Ảnh: Đàm Duy |
Điều dễ nhận thấy trên nhiều tuyến phố hiện nay, kể cả những tuyến đã cải tạo, chỉnh trang dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là biểu hiện phức tạp của tình trạng lấn chiếm kinh doanh buôn bán, để xe, xây bục bệ, hạ vỉa hè làm lối lên xuống... Thậm chí, có nhiều đoạn, đơn vị sử dụng tự ý thay đổi kết cấu, mặt hè mất độ phẳng, màu sắc gạch lát lem nhem như miếng áo vá, vừa mất mỹ quan, vừa không bảo đảm an toàn giao thông.
Theo đề án cải tạo chỉnh trang hè phố đến năm 2020 của Sở GTVT, tổng kinh phí dự kiến lên tới 1.842 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn năm 2013-2015 chủ yếu là cập nhật tiêu chí, yêu cầu và hoàn thiện thiết kế mẫu hè phố áp dụng trong đầu tư thi công. Giai đoạn năm 2015-2018, đầu tư các tuyến còn lại chưa được chỉnh trang (khoảng 186 tuyến). Giai đoạn năm 2018-2020, sẽ đầu tư bổ sung các tuyến đã chỉnh trang giai đoạn 2007-2013 (khoảng 388 tuyến) để đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu mới, tuân thủ quy hoạch cảnh quan đô thị. Ngoài việc cải tạo hè theo thiết kế, sẽ giải tỏa các công trình lắp đặt trên hè không còn sử dụng, công trình lấn chiếm, gây mất mỹ quan. Đặc biệt, các đơn vị có công trình ngầm, nổi được thông báo phối hợp rà soát, xây dựng kế hoạch hạ ngầm, chỉnh trang công trình của mình; tăng cường thêm cây xanh, thảm cỏ trên tuyến phố đủ chiều rộng.
Sau cải tạo sẽ không cấp phép đào hè
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, mục tiêu của đề án là xây dựng cơ chế cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội nên giải pháp phải cụ thể mới bảo đảm tính khả thi. Công an thành phố đề nghị, không nên đặt ra trường hợp tổ chức, cá nhân muốn tham gia đầu tư xây dựng nhưng được khai thác kinh doanh dịch vụ từ dự án để hoàn vốn. Vì nguyên tắc vỉa hè dành cho người đi bộ, nếu để đầu tư rồi kinh doanh dịch vụ thì ảnh hưởng đến trật tự giao thông và vấn đề xử lý giải tỏa về sau rất khó khăn. Bảo lưu quan điểm, Sở GTVT đề nghị nghiên cứu thêm, vì nếu không có hình thức xã hội hóa sẽ khó huy động nguồn vốn lớn cho cải tạo, chỉnh trang hè phố. Sở GTVT cũng cho rằng, có thể nghiên cứu theo hướng kinh doanh dịch vụ có thời hạn, trên tuyến phố phù hợp, có đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông và khôi phục mặt bằng sau khi hết thời hạn. Góp ý bằng văn bản cho đề án này, Sở Tài chính cho rằng, trường hợp tổ chức, cá nhân muốn tham gia đầu tư, khai thác kinh doanh dịch vụ vận dụng theo phương thức BOT cần được cân nhắc, nếu áp dụng phải có tiêu chí cụ thể, quy định vị trí tuyến phố được áp dụng, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Sở Tài chính tiếp tục kiến nghị làm rõ suất đầu tư 700.000 đồng/m2 hè; đồng thời xem lại phân kỳ đầu tư, danh mục đầu tư với những tuyến phố ít hư hỏng để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, do tình hình thu ngân sách năm 2013 và 2014 dự báo rất khó khăn; mặt khác, Chính phủ đã ban hành chỉ thị không triển khai những dự án không có trong danh mục đã được phê duyệt.
Cho ý kiến với đề án cải tạo chỉnh trang hè phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định, thành phố nghiêm cấm việc sử dụng hè phố để kinh doanh. "Không sử dụng hè phố để buôn bán. Phải ghi rõ như vậy chứ không phải chỉ cố gắng giảm" - ông nhấn mạnh. Tương tự, dứt khoát không cấp phép hạ vỉa hè làm lối lên xuống, không để tồn tại cầu dẫn, bục bệ, đưa rõ vào thiết kế mẫu điều này, lưu ý lối lên xuống cho người khuyết tật.
Phó Chủ tịch yêu cầu Sở GTVT hoàn thiện đề án, thống kê chính xác tỷ lệ hè phố xuống cấp, hư hỏng; tỷ lệ xuống cấp, hư hỏng ở từng tuyến. Giai đoạn năm 2014-2015, tập trung giải tỏa các chướng ngại vật, công trình không còn sử dụng trên hè, đường; duy tu những tuyến hè có tỷ lệ hư hỏng dưới 30%; đầu tư đồng bộ một số tuyến hè phố. Giai đoạn năm 2016-2020, cố gắng đầu tư đồng bộ, nếu khó khăn vẫn phải tập trung bảo đảm mục tiêu hè cho người đi bộ. Về vốn, ngoài ngân sách của thành phố, ngân sách cấp cho quận, nguồn lực xã hội hóa, các chủ công trình ngầm, nổi, tổ chức, cá nhân có thể đóng góp bằng tiền, công sức hoặc tự đầu tư theo mẫu thiết kế do Sở GTVT cung cấp miễn phí. Sau khi cải tạo xong, sẽ không cấp phép đào hè, đường trong thời gian nhất định, có thể là 5 năm, tránh tình trạng hè vừa làm xong đã lại đào bới gây mất mỹ quan, lãng phí.