Bài 2: Lật tẩy những chiêu trò...

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 30/08/2013

(HNM) - Những kẽ hở của pháp luật, sự thiếu hiểu biết của người dân kèm những khoản lợi nhuận kếch xù… đã biến thị trường xuất khẩu lao động ngoài nước (XKLĐNN) trở thành

Người lao động nên trang bị cho mình những kiến thức, thông tin và sự tỉnh táo cần thiết để không bị sa vào những cái bẫy hấp dẫn mà những kẻ lừa đảo XKLĐ giăng ra.



Điều đáng nói, không chỉ những tổ chức, cá nhân phạm pháp thực hiện hành vi lừa đảo người lao động bằng nhiều cách thức khác nhau, mà ngay những doanh nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cũng có nhiều vi phạm. Thậm chí, vì muốn nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng "đổi đời", nhiều trường hợp chính người lao động tự phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ngay khi vừa đặt chân đến nước sở tại...

Khi người lao động "tự mua dây buộc mình"...

Trao đổi với PV Hànộimới, Thạc sĩ Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông Cục Quản lý lao động nước ngoài (QLLĐNN) khẳng định, những trường hợp như chị Sâm, anh Lâm, anh Tân... mà chúng tôi đề cập trong số báo trước chỉ là con số nhỏ trong số hàng nghìn, hàng vạn người lao động bị lừa XKLĐ những năm qua. Nghèo khó, ít hiểu biết và trên cả là khát vọng nhanh chóng "đổi đời" thông qua việc đi XKLĐ đã vô tình biến họ trở thành nạn nhân của đám "cò mồi", những tổ chức lừa đảo để cuối cùng "tiền mất, nợ mang". Song trên thực tế, không phải mọi trường hợp người lao động đều là nạn nhân. Thời gian qua, Cục QLLĐNN ghi nhận rất nhiều trường hợp chính người lao động đã chủ ý vi phạm hợp đồng, tự biến mình thành lao động bất hợp pháp nơi xứ người chỉ vì mục đích duy nhất: Mong muốn có thu nhập cao hơn mức lương thỏa thuận với doanh nghiệp phái cử. Mới đây nhất, vụ việc 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu Hsieh Ta (Đài Loan) khi tàu chuẩn bị cập cảng Papeete trên đảo Tahiti (thuộc Pháp) là ví dụ điển hình. Theo lời kể của 4 thuyền viên, do thường xuyên bị đánh đập, ngược đãi, nợ lương... nên sáng 8-8, khi tàu Hsieh Ta chuẩn bị rời cảng trên đảo Tahiti ra khơi đánh cá, 4 thuyền viên đã nhảy khỏi tàu và bơi vào bờ. Tuy nhiên, trái với lời kể của 4 thuyền viên, kết quả xác minh bước đầu của Cục QLLĐNN cho thấy, trong báo cáo của mình, chủ tàu cá Hsieh Ta quy kết 4 thuyền viên nhảy tàu để kiếm công việc khác trên bờ, đồng thời khẳng định không có chuyện thường xuyên ngược đãi thuyền viên. Để chứng minh, chủ tàu cá Hsieh Ta còn gửi kèm biên bản với chữ ký của 7 thuyền viên Việt Nam hiện đang làm việc trên tàu, khẳng định các thuyền viên người Việt có quan hệ tốt với chủ tàu, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Về phần mình, 3 doanh nghiệp phái cử cũng khẳng định các thuyền viên bỏ trốn đã cố tình nói sai sự thật để tránh bị phạt do vi phạm hợp đồng. Đặc biệt, Công ty TTLC đã đưa ra bản tường trình của 2 thuyền viên Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh khi về đến Việt Nam, trong đó 2 thuyền viên này thừa nhận lý do họ nhảy tàu vì muốn tìm công việc khác tại cảng Papeete.

Hầu hết các vụ lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng... thường kết thúc không có hậu. Họ bị chủ sử dụng lao động "giam lỏng" ngay tại nơi làm việc, bị đe dọa tố cáo, thậm chí giao nộp cho chính quyền nếu có ý định bỏ trốn hoặc "nhảy việc" sang nơi có mức lương cao hơn. Khi bị cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện, những lao động phạm pháp sẽ bị trục xuất về nước và nghiễm nhiên bị mất toàn bộ số tiền đã nộp cho phía cơ quan tuyển dụng lao động. Không những thế, nhiều lao động còn bị đơn vị tuyển dụng khởi kiện do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Vân Hà thì "Những gì mà lao động vi phạm hợp đồng XKLĐ phải gánh chịu chỉ là "muối bỏ bể" so với những hậu quả mà họ gây ra cho thị trường XKLĐ nói chung". Cũng do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc chui tại Hàn Quốc quá cao nên đến nay phía bạn chưa chịu ký tiếp thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình cấp phép mới. Hiện vẫn còn trên 10.000 hồ sơ lao động đã qua vòng xét duyệt tiếng Hàn nhưng đang bị "treo" tại thị trường tiềm năng này.

Thống kê của Cục QLLĐNN cho biết, tính đến hết tháng 7 - 2013, cả nước đã có trên 47.000 lao động được đưa đi làm việc tại nước ngoài. Mặc dù, tại các thị trường trọng điểm như Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, số lao động đi làm việc 7 tháng đầu năm tăng nhẹ, nhưng theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, trong cả hai năm 2011-2012 và 7 tháng đầu năm 2013, lượng lao động xuất khẩu đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Trong số rất nhiều nguyên nhân được liệt kê như suy thoái kinh tế, biến động về chính trị tại một số thị trường XKLĐ... một nguyên nhân chủ quan làm hạn chế đáng kể chỉ tiêu XKLĐ, chính là tình trạng lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng khi ra nước ngoài làm việc, hết hạn visa nhưng không chịu về nước, tiếp tục ở lại lao động trái phép...

Cả "cò" và doanh nghiệp đều... lừa!

Từ những thông tin do các nạn nhân cung cấp và tài liệu thu thập được, PV Hànộimới nhận thấy một sự thật đau lòng: Không chỉ bị "cò mồi", môi giới trung gian lừa đảo, người lao động còn bị chính các doanh nghiệp chuyên doanh XKLĐ đưa vào "ma hồn trận" với những vi phạm đủ kiểu. Mặc dù tình trạng lừa đảo XKLĐ đã diễn ra từ nhiều năm nay, đẩy nhiều lao động và các gia đình nghèo vào cảnh cùng quẫn, nợ nần, tán gia bại sản... nhưng nạn "cò" XKLĐ vẫn diễn ra công khai và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Theo các chuyên gia XKLĐ, cho đến nay chỉ có một vài doanh nghiệp hiếm hoi được Bộ LĐ,TB&XH thí điểm cho phép đưa lao động sang làm việc tại Angola, nhưng trên trang tìm kiếm Google, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm thông báo tuyển dụng được đăng công khai với số điện thoại liên hệ của "cò", kèm theo ngành nghề, số lao động cần tuyển với mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn, từ 1.000-1.100 USD/tháng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đang có khoảng 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc trái phép tại Angola. Hầu hết trong số họ là những lao động nghèo, trên 90% tập trung ở các vùng nông thôn, không được tiếp cận đầy đủ thông tin. Chỉ cần nghe lời dụ dỗ của "cò" về một công việc tốt với mức lương cao, họ sẵn sàng đi vay lãi cao, thế chấp cả nhà cửa, ruộng vườn để nộp lệ phí với mong muốn được đi XKLĐ. Chỉ khi sang đến nước bạn, phải làm việc chui trong điều kiện không có giấy phép với mức lương không đủ sống và điều kiện ăn ở khắc nghiệt, họ mới vỡ lẽ mình bị lừa... Đầu tháng 7-2013, 13 lao động tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã bị đối tượng Nguyễn Văn Hòa (Hậu Lộc) lừa đảo, thu gần 200 triệu đồng để đưa sang Angola làm việc với mức lương cao. Khi sang đến nơi, cả 13 lao động bị "đem con bỏ chợ" và bị lực lượng an ninh của Angola bắt giữ. Chỉ đến khi gia đình chuyển tiền sang để mua vé máy bay, các lao động mới được trở về nước.

Theo số liệu thống kê của Phòng Thanh tra Cục QLLĐNN - thuộc Bộ LĐ, TB&XH, tính đến hết tháng 7 - 2013, Cục đã nhận được 60 đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của người lao động tố cáo sai phạm của các doanh nghiệp XKLĐ, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua kiểm tra 10 doanh nghiệp theo định kỳ và kiểm tra đột xuất 7 doanh nghiệp XKLĐ, lực lượng thanh tra đã phát hiện 6 doanh nghiệp vi phạm, xử phạt gần 200 triệu đồng. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người lao động khi đưa họ sang những thị trường mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định hợp tác lao động. Mặc dù không có giấy phép XKLĐ sang các thị trường như Malaysia, Singapore, Angola, Nga... hoặc hợp đồng XKLĐ chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, nhưng nhiều doanh nghiệp đã công khai tuyển người và cung ứng lao động trái phép. Mới đây nhất, ngày 13-6-2013, qua kiểm tra Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và thương mại du lịch (Colecto), cơ quan chức năng phát hiện công ty này lợi dụng hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài để tuyển người, thu tiền và đưa 23 lao động đi làm việc trái phép tại thị trường Angola. Ngay sau đó, đơn vị này đã bị phạt hành chính với số tiền 35 triệu đồng và đình chỉ 6 tháng hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Trước đó, một trường hợp khác là Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng cũng bị Cục QLLĐNN phạt hành chính 45 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động đưa người đi XKLĐ trong thời hạn 3 tháng do tổ chức đưa 19 lao động đi làm việc tại Singapore trong khi hợp đồng cung ứng lao động vẫn trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Trong bức tranh hỗn loạn của thị trường XKLĐ, nếu không biết trang bị cho mình những kiến thức, thông tin và sự tỉnh táo cần thiết, người lao động rất dễ sa vào những cái bẫy hấp dẫn mà những kẻ lừa đảo XKLĐ giăng ra...

Bảo Nga