Xử lý nợ xấu: Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật

Tài chính - Ngày đăng : 06:25, 29/08/2013

(HNM) - Nợ xấu được ví như

Nếu như cách đây hơn một năm, theo công bố của NHNN, nợ xấu của toàn hệ thống lên tới 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng, thì đến nay theo báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu đã giảm. Nhưng trên thực tế, đây vẫn là vấn đề đáng báo động.

Ảnh minh họa


Riêng với nhóm ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán (8 ngân hàng), với tổng dư nợ chiếm hơn 70% trên toàn hệ thống cho thấy, các khoản nợ xấu vẫn đáng ngại, ở mức gần 29 nghìn tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trước đây từng có thời kỳ "làm mưa, làm gió" trên sàn chứng khoán, với tốc độ tăng phi mã, nhưng giờ đây "chìm nghỉm". Theo số liệu các ngân hàng công bố, nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV) chiếm 2,57% tổng dư nợ (trước đó là 2,77%); Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chiếm 2,81%; Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) 2,1%. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của 3 ngân hàng này đều dưới ngưỡng nguy hiểm là 3% tổng dư nợ của từng ngân hàng song nếu làm một phép cộng thì nợ xấu của cả 3 cũng là hơn 20 nghìn tỷ đồng. Có quy mô nhỏ hơn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập với Habubank đã phải gánh một khoản nợ xấu khá lớn, chiếm 9,04% tổng dư nợ. Sau SHB, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) có khoản nợ xấu 6,1%. Những ngân hàng có báo cáo khá "sạch", với nợ xấu dưới 3% là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): 2,99%; Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) 2,55%; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) 1,49%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 2,44%. Kết quả từ một số ngân hàng không niêm yết có vẻ khả quan khi nợ xấu có xu hướng giảm. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) giảm từ 2,72% xuống 2,62%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) từ 3,47% xuống 2,77%...

Như vậy, theo báo cáo của các ngân hàng, nợ xấu có vẻ đã giảm, song vẫn ở mức cao. Đáng báo động là các khoản nợ có khả năng mất vốn (nằm trong nhóm 5) lại tăng, chiếm tới khoảng 48% tổng dư nợ, tức là chỉ tính riêng với nhóm các ngân hàng niêm yết đã lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng. Để giải quyết nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải tính đến bài toán trích lập dự phòng rủi ro, tức là sẽ phải chấp nhận điều chỉnh giảm lợi nhuận.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Đề án "Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD)" và Đề án "Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam". Theo đó, các đơn vị thuộc NHNN và TCTD có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp xử lý nợ xấu, báo cáo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý; đặc biệt tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ có tài sản bảo đảm là bất động sản. Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) kiểm tra từng món nợ, với những món có nguy cơ cao, sau đó sẽ làm việc với tổ chức cần bán nợ. VAMC sẽ mua nợ theo phương thức mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng của khoản nợ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Hoặc, VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Đại diện NHNN lại cho rằng, nợ xấu của các ngân hàng và TCTD không đáng ngại nếu so với tỷ lệ nợ xấu của nhiều nước trong khu vực, cụ thể: Nợ xấu của Hàn Quốc là 17%, Thái Lan là 47,7%, Malaysia: 11,4%, Indonesia hơn 50%... Giải quyết triệt để nợ xấu không chờ vào mệnh lệnh của cơ quan chức năng, hay một đơn vị như VAMC mà còn cần sự nỗ lực của chính các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cần thẳng thắn nhìn nhận những khoản nợ để con số nợ xấu là thật, chứ không chỉ để làm đẹp báo cáo. Chỉ điều đó mới giúp cơ quan chức năng đưa ra những cơ chế điều chỉnh phù hợp.

Đức Anh