Ác mộng sau giấc mơ đổi đời - Bài 1: Những câu chuyện buồn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:02, 29/08/2013
Bài 1: Những câu chuyện buồn
Đến giờ, chị Nguyễn Thị Sâm (SN 1977) ở thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) vẫn chưa thể quên được những ngày chờ đợi trong tuyệt vọng khi bị Công ty Vineco có địa chỉ tại 57 Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội lừa phỉnh đóng tiền đặt cọc đi nước ngoài xuất khẩu lao động. Số là, năm 2010, chồng chị là anh Vương Khắc Hưng (SN 1975) sau 3 năm hết hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về dắt lưng được chút vốn. Mới chỉ mua sắm được bộ bàn ghế, anh Hưng quyết chí dùng số tiền dành dụm được để lo cho vợ đi xuất khẩu lao động hòng nối tiếp ước mơ đổi đời.
Lao động Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản. |
Nghèo khó và ước mộng làm giàu
Chả nhớ ai mách nước, anh chị Sâm tìm đến Công ty Vineco để làm thủ tục đi nước ngoài. Biết là anh chị Sâm có nhu cầu, phía công ty bắt đầu thực hiện những bước lừa đảo hết sức tinh vi. Với lời hứa ngon ngọt rằng khi nào lo được thủ tục mới phải nộp tiền, công ty đã khiến vợ chồng chị Sâm yên tâm về thông báo với gia đình. Kinh phí, theo thông báo của công ty là khoảng 8.000 USD mỗi người, mức lương 920 USD/tháng với lao động phổ thông và mức lương 1.800 USD/ tháng với lao động có tay nghề.
Chị Sâm nhớ lại, vào thời điểm cuối năm 2010, sau rất nhiều lần trì hoãn, Công ty Vineco đã gọi điện thúc chị thu xếp quần áo để bay gấp vào TP Hồ Chí Minh làm thủ tục bay tiếp sang Hàn Quốc. Vì rất nhiều lần nói đi mà chưa đi được nên lần đó vợ chồng chị Sâm giấu bố mẹ lẳng lặng thu xếp hành lý để đến tập trung tại một nhà trọ trên đường Trường Chinh. Tại đây, đại diện phía Công ty Vineco đã thu hết hành lý của lao động đến từ mọi vùng miền tập trung trong một phòng khóa trái cửa và bố trí ăn nghỉ cho chừng 10 - 15 người ở chung một phòng. Chờ hết một ngày chưa thấy được ra sân bay, còn đang sốt ruột thì phía Vineco nại lý do trì hoãn và phát cho người lao động 150.000 đồng/người gọi là tiền ăn nghỉ trong ngày. Nhiều ngày sau đó, gần trăm con người cứ "ăn chực, nằm chờ" như bị giam lỏng trong nhiều căn phòng khu nhà trọ đường Trường Chinh. Ở được vài ngày, quá sốt ruột, chị Sâm gọi điện cho chồng đón về nhà. Những người khác do quê ở xa, chủ yếu là Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương… đành phải sống lay lắt "cơm đường, cháo chợ" với số tiền 150.000 đồng/người như bố thí của doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Xoan ở Vinh (Nghệ An) nhớ lại: "Hơn chục con người sống trong căn phòng chật chội với tâm trạng bất an, hồi hộp và điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Mọi người vẫn phải cố chịu đựng vì đã đóng cho công ty cả đống tiền mà vất vả lắm họ mới đi vay mượn được". Vì nhà gần nên chị Sâm có điều kiện về ăn nghỉ tốt hơn nên thay vì nhận số tiền ít ỏi hằng ngày, cứ một tuần hoặc 10 ngày chị và chồng lại tới nơi ăn nghỉ của những người cùng cảnh ngộ nhận về "một cục" khoảng 1,5 triệu gọi là tiền bồi dưỡng… Tình trạng này kéo dài cho đến một ngày, phía Vineco thông báo cho tất cả lao động về nhà với lý do chưa thể bay được…
Ông Vương Khắc Cự (SN 1969) bố chồng chị Sâm kể lại: "Sau lần đó, linh tính đã mách bảo gia đình có dấu hiệu lừa đảo nhưng vì thương con xót của nên cũng chỉ biết ngồi chờ. Bản thân tôi cũng nhờ bạn bè quen biết tìm hiểu về Công ty Vineco thì được biết có rất nhiều dấu hiệu không bình thường. Khi đem kể cho các con thì đã muộn vì số tiền đã đóng để được xuất ngoại lên đến vài nghìn USD". Khi gia đình chị Sâm nhận ra dấu hiệu lừa đảo cũng là lúc cơ quan công an (CA) vào cuộc vạch rõ chân tướng lừa đảo xuất khẩu lao động của Công ty Vineco. Chị Sâm và gần trăm con người khác trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này và đến nay khi TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ việc, bản thân chị và những người khác vẫn chưa nhận lại được một đồng bồi thường nào…
Một nạn nhân khác ở ngay Hà Nội cũng mắc lừa tuyệt chiêu lừa phỉnh của công ty không có chức năng xuất khẩu lao động nêu trên là anh Vũ Ngọc Lâm (SN 1982) ở Sài Đồng (Long Biên). Cũng khoảng 3 năm trước, sau thời gian xin việc không được, anh Lâm đã nhận điện thoại từ công ty đến tiếp thị. Với các mức giá đưa ra khá hấp dẫn như đóng 10.000 USD sẽ được đi Mỹ nhưng với điều kiện phải làm đăng ký kết hôn giả và nhiều thủ tục nhiêu khê khác, còn đóng nửa số tiền sẽ được đi Hàn Quốc… Cuối cùng, với tiềm lực tài chính gia đình ít ỏi, phải vay mượn thêm của người thân, gia đình đã chọn phương án lo cho anh Lâm đi Hàn Quốc. Nhưng sau rất nhiều lần trì hoãn, đúng vào ngày nhận được visa dạng photocopy và lệnh gọi đi làm thủ tục ra sân bay thì ở trụ sở công ty, anh Lâm và nhiều người cùng cảnh khác đến từ mọi vùng quê đã ngã ngửa khi thấy CA còng tay giám đốc và đọc lệnh khám xét ngay tại trụ sở công ty. Giấc mơ xuất khẩu lao động của anh Lâm chưa thành nhưng đã để lại cho gia đình một món nợ lớn suốt 3 năm qua. Đến nay, gia đình anh mới chỉ trả được phần lãi, còn phần gốc vẫn phải khất lần.
Hoàn cảnh chẳng mấy dư dả của gia đình chị Sâm (Yên Viên, Gia Lâm) sau khi đi xuất khẩu lao động về. |
Nỗi khổ người lao động xa xứ
Trở lại câu chuyện chị Nguyễn Thị Sâm ở Yên Viên (Gia Lâm). Sau khi bị lừa mất số tiền gần 8.000 USD dành dụm suốt ba năm lao động ở Hàn Quốc của chồng, anh chị vẫn chưa từ bỏ giấc mộng làm giàu nơi xứ người. Năm 2011, thông qua một người quen của gia đình làm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở Hải Dương, anh chị lại quyết tâm vay mượn số tiền khoảng 120 triệu đồng để làm thủ tục. Lần này, chị được giới thiệu làm người giúp việc cho một gia đình ở Đài Loan. Nhưng đen đủi cho chị, mới "chân ướt, chân ráo" đặt chân xuống xứ người thì mẹ ông chủ - người mà chị Sâm được thuê để chăm sóc vừa từ trần.
Còn đang bơ vơ chưa biết bấu víu vào đâu, gia chủ có vẻ tốt bụng đã nhận chị vào làm công nhân trong khu xưởng làm hóa chất của gia đình có khoảng 4 - 5 người. Làm việc cật lực được hơn một năm, cuối năm 2012 chị bùi ngùi về nước cầm theo số tiền công vừa đủ trang trải những khoản nợ nần mà vợ chồng chị phải vay mượn để có được chuyến đi với mong ước đổi đời. Hoàn cảnh chị Sâm hóa ra còn may mắn hơn so với nhiều người lao động phải từ bỏ giấc mơ làm giàu xứ người trong nợ nần chồng chất mà không có khả năng chi trả.
Chúng tôi lại vừa nhận được lời kêu cứu khẩn thiết từ gia đình anh Nguyễn Văn Vượng (SN 1992) ở Thủy Nguyên (Hải Phòng). Anh Vượng cho biết, cách đây 2 năm dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng vẫn cố vay mượn được 80 triệu đồng để lo lót cho anh trai là anh Nguyễn Văn Tân (SN 1985) lên tàu Sea Eagle của Vinashinline làm thủy thủ. Tàu rời bến chưa lâu, thì gia đình nghe được hung tin anh Tân bị mắc kẹt lại Triết Giang, Trung Quốc và từ bấy đến nay tin tức của thủy thủ Nguyễn Văn Tân hết sức bập bõm. Lúc nào điện thoại được về nhà, anh Tân cũng thông báo điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ thứ.
Ở quê nhà, tình trạng cũng chẳng khá hơn khi tiếng là đi "thủy thủ viễn dương" đã hai năm nhưng vợ con anh Tân mới chỉ nhận được tiền công 6 tháng lương. Hiện hoàn cảnh anh Tân hết sức khó khăn với vợ dại, con thơ và số tiền vay mượn "lãi mẹ đẻ lãi con". Gia đình người thủy thủ này đang hết sức bi đát khi một mặt trông ngóng tin người thân hằng ngày không biết sống chết ra sao, mặt khác phải oằn mình trả số công nợ để đặt cược đánh đổi vận số cuộc đời mình.
Việc anh Tân mắc kẹt ở Triết Giang khiến chúng tôi nhớ đến vụ 4 thuyền viên người Việt trên chiếc tàu Cheng Cheng Shipping (Đài Loan) đã phải nhảy khỏi tàu khi qua kênh đào Panama để thoát khỏi cảnh bị đày đọa suốt 14 tháng liền trên tàu. May mắn là các anh đã trở về được với gia đình.
Do cuộc sống tại quê nhà khó khăn nên những người như chị Sâm, anh Lâm, anh Tân mới phải tìm cách xoay xở để đi lao động nơi xứ người với mục đích chính đáng là để kinh tế gia đình khá hơn. Cái nghèo túng đã khiến nhiều phận người phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí cả sinh mạng để mưu cầu một cuộc sống khấm khá hơn.