Thu - chi đầu năm học: Công khai, minh bạch để chống lạm thu
Giáo dục - Ngày đăng : 05:57, 29/08/2013
Năm nay, theo quy định, các nhà trường phải thông báo công khai các khoản thu - chi, vừa để phụ huynh biết, thực hiện, cũng là tạo thêm kênh giám sát từ phía cộng đồng. Các cơ quan quản lý cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu của các trường.
Các trường cần rõ ràng, minh bạch các khoản thu đầu năm học mới. Ảnh minh họa từ internet |
Không tăng học phí
Trong khi một số địa phương rục rịch với kế hoạch tăng học phí, điển hình là TP Hồ Chí Minh đã áp dụng tăng học phí ngay từ năm học này, thì Hà Nội quyết định giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: Năm học 2013-2014, Hà Nội không tăng học phí của tất cả HS đang học tại các trường công lập trên địa bàn thành phố. Các nhà trường vẫn thực hiện việc thu học phí theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ban hành ngày 28-8-2012. Theo đó, HS học tại các trường mầm non, THCS, THPT, bổ túc THCS, bổ túc THPT trên địa bàn thành thị (thuộc các phường, thị trấn) sẽ đóng mức học phí là 40 nghìn đồng/HS/tháng. Cũng với các cấp học này, nhưng HS học tại các trường thuộc địa bàn nông thôn (các xã) thì mức học phí là 20 nghìn đồng/HS/tháng.
Mức học phí của Hà Nội được áp dụng thống nhất cho tất cả các nhà trường, các cấp học và được xây dựng bằng với mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP. Điểm khác trong quyết định của UBND TP Hà Nội với nghị định của Chính phủ là không đặt vấn đề tăng học phí hằng năm. Đây được coi là chính sách giúp tất cả HS ở mọi vùng miền đều được hưởng những điều kiện tốt nhất trong học tập.
Bên cạnh việc không tăng học phí, Hà Nội còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho những HS khó khăn. Tùy theo hoàn cảnh thực tế của bản thân, gia đình và địa bàn nơi sinh sống, các em có thể được miễn, giảm học phí, thậm chí còn được hỗ trợ chi phí học tập. Điểm chung của chính sách này là dù HS theo học ở mô hình trường công lập hay ngoài công lập cũng đều được hưởng quyền lợi như nhau và các chế độ này được hỗ trợ trực tiếp tới HS.
Rõ ràng các khoản thu ngoài học phí
Thực tế các năm trước cho thấy, các khoản thu ngoài học phí, trong đó có khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh là vấn đề "nóng" nhất, thường khiến phụ huynh bức xúc nhất. Kết quả kiểm tra của cấp quản lý cũng đã "điểm mặt, chỉ tên" các sai phạm, mà nguyên nhân phần lớn đều do các nhà trường làm sai, làm tắt quy trình thỏa thuận với phụ huynh; lợi dụng danh nghĩa thỏa thuận để thu nhiều, thu sai hoặc thu để chi cho những đầu việc không có trong kế hoạch đã công bố. Bởi thế, sự bức xúc của phụ huynh nhiều khi không hẳn vì mức thu cao, mà vì sự không rõ ràng trong cách làm của các nhà trường.
Để thống nhất trong việc quản lý, thực hiện khoản thu này, từ năm học trước, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tạm thời về việc thực hiện khoản thu thỏa thuận. Danh mục 4 khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh được ấn định gồm: Phục vụ bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm và nước uống tinh khiết cho HS. Để tránh tình trạng mỗi nơi thu một kiểu, Hà Nội cũng đã quy định mức trần cụ thể cho từng khoản với yêu cầu các trường căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng dự toán chi để làm căn cứ tính toán mức thu và phải có văn bản thỏa thuận tới từng phụ huynh.
Quá trình triển khai cho thấy, công tác thu - chi các khoản ngoài học phí có phần nền nếp hơn, song vẫn chưa thực sự như mong muốn. Để tăng cường quản lý với các khoản thu ngoài học phí trong năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Tài chính hoàn thiện văn bản quy định danh mục và mức thu ngoài học phí, trong đó có khoản thu thỏa thuận để trình UBND thành phố phê duyệt, tạo căn cứ pháp lý mạnh mẽ hơn trong quản lý, thực hiện. Thông tin từ Sở GD-ĐT cho biết, nội dung của dự thảo văn bản dựa trên tinh thần của văn bản hướng dẫn tạm thời đang có hiệu lực, vẫn có danh mục và mức trần cụ thể với từng khoản thu thỏa thuận mà nhà trường được phép thực hiện, song sẽ bổ sung thêm một số nội dung mới cho phù hợp với diễn biến thực tế, điển hình là đồng phục HS. Ngoài quy định về thiết kế (giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi HS, dễ tìm mua và giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương) thì theo dự thảo, việc may đồng phục hằng năm cho HS sẽ do phụ huynh quyết định, tức là có thể tự đi may chứ không nhất thiết phải theo yêu cầu của nhà trường. Trong trường hợp nhà trường tổ chức may thì bắt buộc phải thực hiện theo đúng các quy trình, thủ tục và báo cáo cấp quản lý trực tiếp, khi có sự đồng ý mới được triển khai. Dự thảo cũng xác định rõ trách nhiệm của từng cấp và hình thức xử lý nếu để xảy ra sai phạm.
Nếu được UBND thành phố phê duyệt, văn bản này sẽ là căn cứ để các trường thuận lợi khi triển khai, cũng là cơ sở pháp lý trong giám sát, quản lý. Đây có là giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh tình trạng lạm thu hay không, điều ấy còn phụ thuộc vào ý thức chấp hành của cả cơ sở và cơ quan quản lý.
Nội dung và mức thu của 4 khoản thu thỏa thuận 1. Phục vụ bán trú: - Chăm sóc bán trú: Không quá 150 nghìn đồng/học sinh/tháng. - Trang thiết bị phục vụ bán trú: Không quá 150 nghìn đồng/ học sinh/năm học với cấp mầm non. Cấp tiểu học không quá 100 nghìn đồng/học sinh/năm học. 2. Học 2 buổi/ngày: - Tiểu học: Không quá 100 nghìn đồng/học sinh/tháng. - THCS: Không quá 150 nghìn đồng/học sinh/tháng. 3. Học phẩm: Không quá 150 nghìn đồng/học sinh/năm học. 4. Nước uống tinh khiết: Không quá 12 nghìn đồng/học sinh/tháng. (Trích văn bản số 8568/SGD&ĐT- KHTC của Sở GD-ĐT Hà Nội). |
Tiếp nhận thông tin sai phạm qua “Đường dây nóng” Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: Nếu phụ huynh có bằng chứng các sai phạm về công tác thu - chi của các nhà trường thì hãy thông tin cho các cấp có thẩm quyền. “Đường dây nóng” luôn tiếp nhận những thông tin này chính là danh bạ của các chuyên viên, cán bộ Sở GD-ĐT được công bố công khai trên trang web của ngành (www.hanoi.edu.vn). Những người có trách nhiệm sẽ bảo vệ danh tính của phụ huynh và việc học tập của con em họ, đồng thời xử lý nghiêm khắc các cá nhân, đơn vị sai phạm. Sự thông tin kịp thời, chính xác của phụ huynh là cách thức hữu hiệu để cùng ngành GD-ĐT chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các nhà trường. |