Không thể chấp nhận những tiêu cực như vụ việc ở BV Hoài Đức

Chính trị - Ngày đăng : 18:01, 28/08/2013

(HNMO) –“Tất cả chúng ta đều không thể chấp nhận những tiêu cực như vậy. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người, thậm chí là tính mạng… Những sai phạm như vậy nếu không chấn chỉnh, không xử lý nghiêm thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nói tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ được tổ chức chiều 28/8.


CPI tháng 8 tăng vọt

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 diễn ra từ ngày 27 - 28/8, chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng còn chậm. Đáng chú ý, CPI tháng này đã tăng vọt, tăng 0,83%, tính chung cả 8 tháng tăng 3,52%, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do điều chỉnh thêm một bước giá dịch vụ y tế tại Hà Nội.

Ngoài ra, chính phủ tiếp tục duy trì được tỷ giá ổn định, giải ngân vốn FDI, ODA tăng, xuất nhập khẩu tốt, cân thanh toán vĩ mô tốt, các lĩnh vực như đối ngoại, quốc phòng, an ninh… được đảm bảo. Cụ thể, vốn FDI đăng ký trong 8 tháng ước đạt 12,63 tỷ USD, tăng 19,5%; giải ngân ước đạt 7,56 tỷ USD, tăng 3,8%; vốn ODA được ký kết đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng trên 29%; giải ngân đạt 2,74 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9%; nhập siêu 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục xu hướng tăng, 8 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 10.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động….

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chuyển biến chậm. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu còn chậm. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; thị trường và sức mua phục hồi chậm. Một dấu hiệu đáng lưu ý là sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm, do vào tháng mưa, sản xuất than – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp - giảm mạnh.

Trong những tháng còn lại và định hướng năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cố gắng đạt mức tăng trưởng GDP như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra là khoảng 5,4%. Đồng thời, đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục điều hành giá cả theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam



Người nghèo luôn được hỗ trợ giá điện

Liên quan đến việc tăng giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, lộ trình điều chỉnh giá điện là chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Công Thương, đã được đề cập tới nhiều lần. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nếu giá điện không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng và mức tăng 5% trở xuống thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương. Vì thế, từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đợt tăng giá điện hôm 1/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã thừa nhận việc tuyên truyền giải thích chưa làm tốt, sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn.

Bộ trưởng cũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt việc điều chỉnh giá điện phải theo lộ trình, điều chỉnh dần và phải có chính sách kèm theo rất cụ thể cho người nghèo và các đối tượng chính sách, phải tuyên truyền, giải thích cho nhân dân.

“Chính phủ khẳng định, đối với hộ nghèo, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ. Tôi xin nói rằng, từ trước tới nay tất các hộ dân nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, Chính phủ bao cấp hoàn toàn. Bao cấp ở đây là bằng tiền mặt, nếu hộ nào không dùng hết thì có thể giữ lại số tiền mặt đó. Dù có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ”, Bộ trưởng nói.

Lương của Thủ tướng dưới 15 triệu đồng/tháng

Về thông tin lương một số lãnh đạo doah nghiệp công ích ở TP.Hồ Chí Minh cao bất thường, Bộ trưởng cho biết, lương trong DN công ích, đặc biệt là lương của viên chức nhà nước quản lý trong DN nhà nước được quy định rất chặt chẽ, cẩn thận. Nghị định 50 và Nghị định 51 của Chính phủ được ban hành vào giữa năm 2013 quy định chặt chẽ cách hạch toán lương, mức lương của viên chức quản lý trong DN nhà nước, phân định rõ trong tập đoàn kinh tế là bao nhiêu, tối đa là bao nhiêu; trong tổng công ty là bao nhiêu với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng…, trong đó mức cao nhất thuộc về Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Chính phủ cũng quy định, cuối năm nếu các DN có thành tích tốt, lợi nhuận cao thì được thưởng thêm nhưng không quá 0,5 lần mức lương.

“Nếu mức lương của các DN công ích như báo chí phản ánh mà không đúng thì phải xử lý, đó là thẩm quyền của UBND địa phương, bộ ngành được giao quản lý DN”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi báo chí lên tiếng về vấn đề này, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương ở các DN thuộc phạm vi quản lý và ai làm không đúng sẽ bị xử lý.

Bộ trưởng cũng cho biết, mức lương của Thủ tướng không được quá 14 lần hệ số lương cơ bản (mức lương dành cho lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước). Theo hệ số mức lương tối thiểu mới điều chỉnh là 1.150.000 đồng, có thể tính ra mức lương của Thủ tướng dưới 15 triệu đồng/tháng.

Không thể chấp nhận những tiêu cực như vụ việc ở BV Hoài Đức

Về vụ “nhân bản” mẫu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức gây chấn động dư luận, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Thật khó tìm lời bình luận ngắn để nói đầy đủ về sự việc này. Tất cả chúng ta đều không thể chấp nhận những tiêu cực như vậy. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người, thậm chí là tính mạng, mặc dù vụ đó theo như báo chí và các báo cáo thì chưa có hệ lụy liên quan đến sức khỏe hay tính mạng cụ thể của ai. Nhưng những sai phạm như vậy nếu không chấn chỉnh, không xử lý nghiêm thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Với tư cách cá nhân, Bộ trưởng bày tỏ sự đau xót trước sự việc vì đây là vấn đề đạo đức xã hội, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả.

“Bộ Y tế đã báo cáo, có biện pháp chấn chỉnh. Khi có thông tin liên quan đến sự việc cụ thể, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều có những chỉ đạo và không chỉ là chỉ đạo xử lý vụ việc cụ thể đó như thế nào, mà từng bộ, từng ngành phải xem xét lại toàn bộ hệ thống, chủ trương liên quan có đúng không. Ví dụ trong trường này, chủ trương xã hội hóa phải đi kèm với quy định như thế nào, việc tổ chức thực hiện những chính sách ban hành của các cấp bên dưới có nghiêm túc không. Đây là sự việc buồn, đáng tiếc”, Bộ trưởng nói.

Vân An