Tấn công Syria: Tại sao Mỹ lại chọn thời điểm này?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 11:19, 28/08/2013

(HNMO) – Việc Mỹ và các đồng minh của mình thảo luận về Syria và đưa ra dấu mốc sớm nhất là ngày 29/8 sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm trừng phạt Syria khiến nhiều người bất ngờ...


Đến thời điểm này, cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài được hơn 2 năm rưỡi, khởi đầu từ cuộc đàn áp của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại những người phản đối chính quyền.

Trong từng đó thời gian, hơn 100.000 người Syria đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, chạy sang các nước láng giềng.

Trong từng đó thời gian, các nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề Syria, tìm một giải pháp hòa bình cho đất nước này cũng liên tục diễn ra nhưng sự bất đồng quan điểm giữa các nước lớn đã khiến thế giới chia thành hai cực trong vấn đề Syria: một cực ủng hộ Tổng thống Syria Bashar, một cực nghiêng về phe nổi dậy Syria. Chính vì vậy, đến giờ, những cuộc đàm phán, những nghị quyết của Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực chưa thể mang lại một kết cục tốt đẹp cho người dân Syria đau khổ.

Trong khi các cuộc thảm sát, đánh bom… vẫn nổ ra hàng ngày trên khắp Syria, cả phe ủng hộ tổng thống Syria lẫn phe ủng hộ lực lượng nổi dậy đều muốn chọn giải pháp hòa bình, chứ không phải vũ trang, là ưu tiên hàng đầu để giải quyết vấn đề Syria. Nhưng sau vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hồi tuần trước khiến hơn 1.000 người chết, cục diện về cuộc chiến Syria dường như đã thay đổi hoàn toàn. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi đó là "đường đỏ", cụm từ mà ông đã không ít lần đề cập đến trong các bài phát biểu trước đây về Syria.

Đến giờ, “chủ mưu” thực sự của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đó là ai vẫn chưa thể được làm rõ khi chính quyền Syria cực lực bác bỏ, còn quân nổi dậy Syria đổ lỗi cho chính quyền. Nhưng điều nguy hiểm nhất là vụ tấn công này đã khiến cho viễn cảnh về một cuộc tấn công của Mỹ và các nước đồng minh vào Syria có thể sắp thành hiện thực.


Hôm đầu tuần, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã nói rằng: "Việc sử dụng vũ khí hóa học là trái với các tiêu chuẩn được thông qua bởi đa số các quốc gia và các nỗ lực quốc tế kể từ Thế chiến thứ nhất trong việc loại bỏ việc sử dụng các loại vũ khí này... Việc sử dụng các loại vũ khí này ở quy mô lớn và một mối đe dọa phổ biến hạt nhân là sự đe dọa đến lợi ích quốc gia của chúng tôi và mối quan tâm của toàn thế giới".

Tổng thống Obama, trong một cuộc phỏng vấn với CNN tuần trước, cũng cho biết: "Khi bạn bắt đầu thấy vũ khí hóa học được sử dụng ở quy mô lớn... việc này bắt đầu chạm tới một số lợi ích quốc gia cốt lõi mà Mỹ có, cả trong việc đảm bảo rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt không được phát triển, cũng như cần phải bảo vệ các đồng minh của chúng tôi, các cơ sở của chúng tôi trong khu vực".

Tuy nhiên, cũng có không ít hoài nghi về lý do chính đáng mà Mỹ đưa ra để phát động cuộc chiến chống Syria cũng như khả năng cuộc chiến tranh này thành hiện thực.

Nga, một trong những người ủng hộ giải pháp hòa bình về Syria và không can thiệp, đã cực lực lên án Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ khi đón nhận thông tin về cuộc tấn công Syria.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Alexander Lukashevich hôm qua (27/8) đã gọi các cuộc thảo luận của Mỹ và các đồng minh của mình về một cuộc tấn công vào Syria là cố gắng vượt qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tạo ra những lý do vô căn cứ để can thiệp quân sự vào khu vực này. Những hành động như vậy sẽ gây ra sự đau khổ mới ở Syria và hậu quả thảm khốc cho các nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi.

Trung Quốc, một nước có lập trường giống Nga trong vấn đề Syria cũng bày tỏ quan điểm rằng, lối thoát duy nhất cho vấn đề Syria là một giải pháp chính trị. Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, tất cả các bên liên quan nên xử lý vấn đề vũ khí hóa học của Syria một cách thận trọng để tránh can thiệp vào những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Syria một cách chính trị.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad-Javad Zarif được hãng tin chính thức IRNA dẫn lời hôm qua cũng cho biết, một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân Syria “không chắc sẽ xảy ra".

"Tôi nghĩ thật khó để Mỹ bước vào một cuộc chiến tranh khác trong khu vực (Trung Đông)", ông nói.

Theo ông, không có sự đồng thuận giữa các nước trên thế giới về Syria, mặc dù Mỹ và các nước phương Tây đang cố thể hiện một "hình ảnh không thật".

"Không ai cung cấp được tài liệu chứng minh rằng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, trái lại, hầu hết các bằng chứng cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi những người khác", ông Zarif nói.

Việc Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu phát động một cuộc tấn công Syria làm chúng ta nhớ lại những cuộc tấn công vào Iraq, Afghanistan và thật buồn khi đến giờ, nền hòa bình mà toàn nhân loại mong muốn vẫn chưa thể “nở hoa" rực rỡ ở những quốc gia này.

Xin được đưa ra một nhận xét của ông Tony Cordesman, một cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc cho Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, thay cho lời kết: "Các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học không nhất thiết phải kinh khủng hơn việc sử dụng các vũ khí thông thường… Các chất gây chết người khi lên mặt giấy luôn luôn bị làm cho tồi tệ hơn trên thực tế".

Vân An