Nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:24, 28/08/2013
Hà Nội hiện có khoảng 90.000 DN, đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, do phần lớn DN có quy mô vốn nhỏ, khả năng tiếp cận vốn yếu, trang thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý còn hạn chế… nên phải đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) cũng như sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường toàn cầu do các công ty đa quốc gia chi phối. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh. Nhiều DN được hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Một số DN đã tham gia vào chuỗi các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho Nhật Bản. Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với đại diện các DN, đề xuất thành phố ban hành nhiều chính sách tạo môi trường thuận lợi giúp DN thúc đẩy phát triển SXKD. Đồng thời, tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu trên thị trường trong nước và khu vực. Từ tháng 5-2009 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều quy định hỗ trợ các DN trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường trong, ngoài nước.
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Với sự hỗ trợ về chủ trương chính sách của thành phố, nhiều DN đã nỗ lực vươn lên đạt chỉ tiêu về SXKD bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị như Tổng Công ty May 10, Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên, Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông… đã tập trung nghiên cứu sản phẩm chủ lực, đầu tư có trọng điểm để tạo ra những mặt hàng được thị trường đánh giá tốt về mẫu mã, chất lượng, giá thành và được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực như sản phẩm may mặc của Tổng Công ty May 10, ống thép không gỉ của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, máy biến áp 500kV của Công ty Thiết bị điện Đông Anh… không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước mà còn thay thế được hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu. Với lợi nhuận từ doanh thu, các DN đã chủ động đầu tư công nghệ hiện đại để phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam đã là thành viên của WTO và tham gia mạnh mẽ vào tiến trình khu vực, tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cùng nhiều hiệp định tự do thương mại khác, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của DN, nhất là đối với DN vừa và nhỏ. Vì vậy, Nhà nước cần sớm có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả cho DN. Để tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, thời gian tới thành phố sẽ tăng cường tổ chức cho DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, giao thương với các tổ chức, DN trong và ngoài nước; đồng thời thông báo để DN đăng ký hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 10-4-2013 của UBND thành phố về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN của thành phố năm 2013. UBND thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN.