Tin tưởng vào thành công kép
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:35, 28/08/2013
Cụ thể, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong 7 tháng đầu năm, số DN thành lập mới là gần 9.600, song phần lớn những DN này chưa phát sinh thuế phải nộp, hoặc có phát sinh nhưng số thuế nộp ngân sách thấp. Cũng trong 7 tháng đầu năm, Hà Nội có gần 6.700 DN ngừng hoạt động, trong đó số DN giải thể chiếm 4,9%, số DN tạm ngừng kinh doanh là 36%, còn lại là các DN bỏ địa chỉ kinh doanh. Điều đó dẫn đến việc kê khai, nộp thuế của các DN thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước.
Trước bối cảnh trên, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo trực tiếp làm Trưởng ban. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc thu ngân sách trên địa bàn, bởi công tác này có ảnh hưởng trực tiếp trong bảo đảm cân đối nguồn chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý, kiểm tra chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi số nợ đọng, giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế của các đơn vị, DN… Cùng với đó là việc rà soát và điều tiết các khoản chi ngân sách bảo đảm chi đúng, chi đủ, hạn chế tối đa các khoản chi dàn trải, lãng phí ngân sách.
Điều đó là hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên, quan trọng không kém những biện pháp nêu trên là việc nuôi dưỡng các nguồn thu. Đây như hai mặt của một vấn đề đồng thời thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta dựa trên quan điểm xuyên suốt là "dân giàu, nước mạnh". Cụ thể, cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Thông tư số 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm một số khoản phí, tiền thuê đất, giãn nộp tiền sử dụng đất; trong kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế hiện hành cũng đã được các đại biểu sôi nổi thảo luận, cho ý kiến. Tất cả đều nhằm hướng tới một chính sách thuế hợp lý trong thời điểm hiện nay, vừa bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Ấy chính là bồi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Mặt khác, có thể thấy trong thời gian vừa qua, ngành chức năng đã có những cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến, kịp thời giải đáp những vướng mắc cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân nắm rõ những điểm mới trong chính sách thuế của Nhà nước. Cùng với đó, công tác quản lý, giám sát, thu thuế cũng như các thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp thuế của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã không ngừng được cải tiến và hiện đại hóa nhằm mục đích tạo môi trường lành mạnh và điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ đối với thành phố nói riêng và đất nước nói chung.
Năm 2012, Hà Nội đã có một thành công kép khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, vừa giãn, giảm, hoãn thời hạn nộp thuế hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng những quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó cũng chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, với các chính sách, biện pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, các thành phần kinh tế sẽ từng bước phục hồi và phát triển, tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách để phục vụ sự phát triển chung của đất nước.