Tháo gỡ khó khăn cho xã đồng bào Dao ở Ba Vì: Cần cơ chế đặc thù
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 27/08/2013
Với 98% dân số là người dân tộc Dao, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và thành phố, nhưng Ba Vì vẫn là xã nghèo nhất huyện. Vì vậy, việc có cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế là điều hơn 2.100 người dân nơi đây mong đợi.
Đường giao thông ở bản Hợp Nhất, xã Ba Vì. Ảnh: Đỗ Chí |
Quá nhiều khó khăn
Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã và huyện Ba Vì đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu là thiếu đất - tư liệu sản xuất, trình độ canh tác của người dân không đồng đều, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết: Người Dao có tập tục sống du canh du cư ở độ cao khoảng 400m. Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ, người Dao xuống núi lập làng, bản định cư. Năm 1993, Vườn quốc gia Ba Vì mở rộng diện tích, quản lý từ độ cao 100m trở lên. Hơn 2.200ha đất lâm nghiệp của xã Ba Vì được bàn giao Vườn quốc gia quản lý. Những năm gần đây, xã tập trung phát triển mạnh nghề truyền thống là trồng cây thuốc nam, cho thu nhập chiếm 30% tổng thu nhập toàn xã. Nhưng do thiếu đất trồng cây thuốc, nhiều loại cây thuốc phát triển không kịp thu hoạch, một số loại cây do sự tận thu lại thiếu ý thức bảo tồn, phát triển, không có kỹ thuật chăm sóc phù hợp nên đã vắng bóng hẳn. Để có thu nhập, nhiều hộ phải lên Sơn La, Lai Châu tìm mua cây thuốc trôi nổi trên thị trường về bán; một số khác sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp.
Để tham dự cuộc họp, Chủ tịch MTTQ xã Ba Vì Triệu Hữu Tuấn mất cả tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường 10km từ nhà ở thôn Hợp Sơn đến trụ sở UBND xã. Ông cho rằng mình vẫn may mắn so với nhiều người ở thôn Hợp Nhất phải chịu cảnh cứ mưa to thì "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vì đường lầy lội rất khó đi. Đây là chuyện khá phổ biến vì toàn xã Ba Vì chỉ có 1,9km đường liên xã nối Ba Vì với xã Ba Trại đã được cứng hóa, còn lại toàn bộ đường liên thôn, trục thôn vẫn là đường đất.
Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Lăng Văn Hà khẳng định: Thiếu đất sản xuất, các công trình hỗ trợ phát triển kinh tế chậm phát huy khiến đời sống người dân gặp khó khăn. Toàn xã có 180 hộ nghèo và 108 hộ cận nghèo, chiếm 64% dân số; thu nhập bình quân chỉ đạt 6,4 triệu đồng/người/năm. Hiện xã đang loay hoay tìm phương án hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa ngay 32 nhà ở của hộ nghèo đã xuống cấp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, 50% số hộ chưa có công trình vệ sinh phù hợp và 70% số hộ dân vẫn sử dụng nước sông, suối không hợp vệ sinh làm nước sinh hoạt hằng ngày.
Sớm hiện thực hóa các chính sách ưu đãi
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, từ năm 2004 đến nay, huyện và thành phố đã đầu tư xây dựng cho xã Ba Vì 6 phòng học, trụ sở UBND, trạm y tế, hệ thống cấp nước sạch ở hai thôn Yên Sơn, Hợp Nhất trị giá 16,4 tỷ đồng. Các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, triển khai Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 30-11-2012 của UBND TP về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015", thành phố đã lên kế hoạch đầu tư cho xã Ba Vì 148 tỷ đồng. Hiện tại, huyện đang triển khai đầu tư 4 nhóm dự án về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trụ sở với tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên theo ông Tiến, để xây dựng các công trình này, ngoài nguồn vốn đầu tư của thành phố chiếm 80%, huyện và xã phải có vốn đối ứng 20%. Vốn của thành phố hỗ trợ đầu tư đã sẵn sàng nhưng huyện và xã không thể tìm đâu được nguồn vốn đối ứng. Đây là nguyên nhân khiến các công trình hỗ trợ của thành phố chậm được triển khai trên địa bàn xã Ba Vì cũng như một số xã khác của huyện Ba Vì.
Chia sẻ khó khăn với địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, trước mắt, việc cần làm ngay là tạo việc làm, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân xã Ba Vì. Để làm được việc này, thành phố sẽ có cơ chế đặc thù, hỗ trợ hoàn toàn trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi. Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở NN&PTNT nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển cây chè, cây keo, chăn nuôi gia súc phù hợp, chuyển đổi các loại cây rừng cho thu nhập thấp sang các loại cây sinh thái, ăn quả, vừa cho thu lợi nhanh để phát triển đời sống, vừa có giá trị hỗ trợ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT có trách nhiệm làm việc với Vườn quốc gia Ba Vì, thành phố cũng sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT giúp bà con xã Ba Vì được tiếp tục canh tác cây thuốc trên một số diện tích của Vườn quốc gia Ba Vì…
Hy vọng rằng, với sự quan tâm sâu sát, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho người dân của các cấp chính quyền sẽ giúp đồng bào người Dao Ba Vì cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.