Sẽ có nhiều “kênh” kiểm soát thu nhập

Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 27/08/2013

(HNM) - Với cơ chế hiện hành, đã có không ít chế tài để tiếp cận bản kê khai tài sản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc vận dụng chưa suôn sẻ.



Trao đổi với Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển khẳng định, Thanh tra Chính phủ đang nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng này; ngoài ra, vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm hiện nay là kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn cũng đã được tính đến.

- Thưa ông, dù có nhiều quy định, nhưng việc tiếp cận bản kê khai tài sản của CBCC đến nay vẫn được cho là rất khó. Tại sao lại có hiện tượng này?

- Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 thì bản kê khai được lưu trong hồ sơ cán bộ, theo dạng "mật". Tuy nhiên, theo Luật PCTN sửa đổi thì bản kê khai đã được "giải mật", chỉ được lưu cùng hồ sơ của cán bộ công chức, viên chức thôi. Như vậy, tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thể sử dụng bản kê khai để phục vụ cho công tác quản lý và PCTN, miễn là đúng quy định của pháp luật. Ngoài hình thức kiểm tra, theo dõi, bản kê khai tài sản của đối tượng kê khai bắt buộc còn được công khai bằng một trong hai hình thức, đó là niêm yết công khai tại nơi công tác và công khai tại cuộc họp.

- Luật quy định là vậy nhưng việc thực hiện chưa tốt. Tại sao không quy định một hình thức công khai bản kê khai tài sản để thống nhất thực hiện, thưa ông?

- Bản chất công khai bản kê khai nhằm đưa ra nhiều "con mắt", tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập. Do đó, nên có nhiều lựa chọn. Quy định như trên để phù hợp về mặt tổ chức, sinh hoạt, công tác của nhiều cơ quan trên nhiều lĩnh vực. Nếu áp dụng cứng theo một hình thức công khai thì không thể làm được. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, việc áp dụng các hình thức công khai trên thực tiễn cũng gặp một số vướng mắc. Với việc niêm yết tại trụ sở thì khó khăn trong việc tìm địa điểm niêm yết để làm sao bảo đảm bảo quản tốt bản kê khai. Trong Nghị định 78/2013/NĐ-CP chưa quy định chi tiết vấn đề này, nhưng tới đây khi xây dựng thông tư, ban soạn thảo sẽ hướng dẫn rõ địa điểm đủ điều kiện để niêm yết phải như thế nào, tổ chức cuộc họp về vấn đề này thì phải bảo đảm những gì để hạn chế lách luật.

- Có trường hợp đến kỳ phải kê khai tài sản, thu nhập, người có nghĩa vụ kê khai lại bán tài sản đi để tẩu tán, đặc biệt là đối với bất động sản. Chẳng lẽ, chúng ta bất lực, không kiểm soát được hiện tượng này?

- Nếu như dùng tiền để mua thì tài sản sẽ tăng lên, ngược lại nếu bán thì sở hữu về tiền sẽ tăng lên. Như vậy tài sản, tiền của người đó vẫn được thể hiện trong bản kê khai, nếu khai báo trung thực. Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn cơ chế chủ động yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản để kiểm soát tài sản của người có nghĩa vụ kê khai tăng lên bất bình thường so với thu nhập hợp pháp. Cơ chế này không bị ràng buộc là phải đợi đến thời điểm kê khai tài sản mới giải trình, xem xét. Ví dụ sau khi tôi đã kê khai tài sản, thấy tôi mua một chiếc ô tô đắt tiền trong khi tài sản đã kê khai không có thì thủ trưởng cơ quan có thể yêu cầu tôi giải trình ngay về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu không kê khai đúng về tổng thu nhập tăng thêm, sau này cơ quan thẩm quyền phát hiện thì sẽ có cơ sở để xử lý theo pháp luật.

- Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng kê khai thực số tài sản mình đang có. Trong khi đó, những công cụ góp phần kiểm soát thu nhập như Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định thanh toán không dùng tiền mặt, quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng… không mang lại hiệu quả mong muốn. Dường như chúng ta mới quan tâm kê khai tài sản tích lũy chứ pháp luật chưa điều chỉnh việc kiểm soát chi tiêu, thưa ông?

- Tất nhiên chi tiêu cũng là một vấn đề được đặt ra cần được kiểm soát. Để sửa đổi toàn diện thì tới đây cũng nên tính đến để xây dựng được hành lang kiểm soát chi tiêu.

- Cụ thể, Thanh tra Chính phủ có đề xuất gì để việc kiểm soát thu nhập của CBCC tốt hơn, đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn?

- Thanh tra Chính phủ đang dự định đề xuất một số đối tượng phải thuộc diện kiểm soát thu nhập gồm: Đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; CBCC từ cấp phó trưởng phòng của UBND cấp huyện và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương; người giữ chức phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước… Các khoản thu nhập bị kiểm soát thuộc 3 nhóm cơ bản: Thu nhập từ ngân sách nhà nước (lương, phụ cấp…); thu nhập chịu thuế và không chịu thuế thu nhập cá nhân từ các giao dịch chuyển nhượng bất động sản, từ đầu tư vốn, kinh doanh, kiều hối...); thu nhập từ quà tặng, quà biếu, tiền thưởng, hoa hồng. Để tiện giám sát, khâu chi trả mọi khoản tiền từ ngân sách nhà nước cho cá nhân người có chức vụ, quyền hạn đều phải qua tài khoản ngân hàng. Sẽ có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn và đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về thu nhập của người có chức vụ quyền hạn từ khi bắt đầu được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm đến 5 năm sau khi người có chức vụ, quyền hạn nghỉ hưu.

- Liệu, nhóm phải kiểm soát thu nhập như trên có quá rộng. Sao không "liệu cơm gắp mắm" từ việc đề xuất lượng hẹp hơn cho tiện giám sát và làm thí điểm trước khi nhân rộng, thưa ông?

- Tôi cho rằng không nên thu hẹp lại vì chúng ta đã có được những dữ liệu có từ năm 2007 đến nay. Cũng không nên mở rộng hơn vì chưa đủ nguồn lực để cân đối. Vấn đề tập trung sửa đổi lần này không phải là phạm vi chính sách mà là tăng cường tính thực chất của chính sách.

- Xin cảm ơn ông.

Hà Phong