Tái cấu trúc TTCK: Hàng loạt công ty “văng sàn”
Tài chính - Ngày đăng : 06:20, 26/08/2013
Xếp hàng "rút lui"
Ở thời điểm thị trường sôi động, các công ty CK "lũ lượt" ra đời, hồ sơ xin thành lập xếp đầy bàn cơ quan chức năng. Cũng dễ hiểu, bởi lúc đó, công ty nào được thành lập cũng thắng, với lợi nhuận "khủng". Cùng với các dịch vụ khác, hoạt động tự doanh trong bối cảnh cứ "chơi" CK là có lãi khiến công ty CK được coi như "miếng mồi" béo bở. Ngân hàng đua nhau mở công ty CK, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn cũng thành lập thêm công ty hoạt động theo mô hình này…
Kiểm phiếu tham gia dự đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phan Anh |
Tuy nhiên, TTCK đã không "nóng" quá lâu. Sau một thời gian tăng điểm với tốc độ "thần kỳ", các chỉ số CK "lao dốc không phanh", hết đáy này đến đáy khác được thiết lập. Thay vì mua ồ ạt như trước, nhà đầu tư lại tìm cách tháo chạy, nhưng càng chạy chỉ số càng giảm, thị trường náo loạn. Không chỉ nhà đầu tư lớn, những người đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ cũng lần lượt rút lui. Lúc này, sự ồ ạt thành lập của hàng loạt công ty trước đó đã để lại hệ lụy, đó là khi thị trường "giảm nhiệt", quá nhiều công ty tồn tại sẽ gây áp lực cho thị trường. Mức lãi "khủng" hay thưởng "khủng" dành cho nhân viên không còn, thay vào đó là tình trạng "ế ẩm" khách hàng, các sàn chứng khoán vắng bóng người đầu tư. Thiệt hại nhiều nhất chính là những công ty đã tham gia tự doanh CK, vì giá cổ phiếu chỉ còn 1/5, thậm chí là 1/10 so với thời điểm đỉnh, có mã cổ phiếu được giao dịch với mức giá vài nghìn đồng/cổ phiếu. Thay vì đơn xin thành lập, đơn xin giảm bớt hoạt động kinh doanh, đơn xin phá sản lại được xếp thành chồng. Phòng giao dịch CK trước kia "mọc lên như nấm" trên khắp các khu phố trung tâm, nay thưa thớt vài điểm.
Tạo điều kiện hợp nhất, sáp nhập, mua lại
Trong những công ty CK tồn tại, công ty thực sự hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa số chỉ còn danh nghĩa. Con số mới nhất được tổng hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong số hơn 80 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, có khoảng 30 công ty báo lỗ với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Chứng khoán MHB lỗ hơn 20 tỷ đồng do tự doanh cổ phiếu OTC. Công ty Chứng khoán Sacombank lỗ hơn 30 tỷ đồng. Công ty Phú Hưng (mã cổ phiếu PHS) lỗ liên tiếp trong suốt mấy năm gần đây, với tổng lỗ lũy kế 154 tỷ đồng. Nhiều công ty khác cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ dài hạn.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần sự quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc công ty CK, loại bỏ dần những công ty nhỏ, yếu kém để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Nếu đúng theo lộ trình, hoạt động tái cấu trúc sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2015, dự kiến sẽ có tới 70 công ty phải chấm dứt hoạt động.
Trong đề án tái cấu trúc tổ chức kinh doanh CK của UBCKNN, sẽ phân loại các tổ chức kinh doanh theo 4 nhóm trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường. Đó là nhóm hoạt động lành mạnh, gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng trên 180%; nhóm hoạt động bình thường có tỷ lệ vốn khả dụng đạt 150-180%; nhóm bị kiểm soát có tỷ lệ 120-150%; nhóm bị kiểm soát đặc biệt có tỷ lệ dưới 120%. UBCKNN cũng đưa ra những giải pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh CK. Trong đó, với tổ chức hoạt động lành mạnh, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện các tổ chức hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Những tổ chức bị kiểm soát sẽ được UBCKNN xây dựng quy trình chi tiết để quá trình tái cơ cấu. UBCKNN sẽ yêu cầu các tổ chức này tự nguyện hoặc thực hiện rút bớt các nghiệp vụ kinh doanh. Riêng với các tổ chức bị kiểm soát đặc biệt, nếu không bảo đảm được quy định về an toàn tài chính và tiếp tục thua lỗ (lỗ lũy kế đạt trên 50% vốn điều lệ), sẽ đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; giải thể hoặc phá sản. Trường hợp không khắc phục được và lỗ lũy kế đạt dưới 50% vốn điều lệ, chấm dứt mọi hoạt động CK, duy trì tư cách pháp nhân để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng, chủ nợ, hoặc giải thể, phá sản...
Trong bối cảnh TTCK còn nhiều "lình xình", các chỉ số CK chưa có dấu hiệu bứt phá đòi hỏi các công ty phải có trình độ quản trị rủi ro và mô hình kinh doanh hiệu quả. Để tái cấu trúc TTCK hiệu quả, lãnh đạo UBCKNN cho biết, sẽ nâng cao điều kiện thành lập tổ chức kinh doanh CK, hạn chế việc thành lập mới, bảo đảm chỉ duy trì số lượng các tổ chức kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường, khuyến khích các hoạt động chuyển nhượng. Chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa dịch vụ CK theo thông lệ quốc tế sẽ tập trung vào các lĩnh vực như môi giới CK và các dịch vụ hỗ trợ; tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành; quản lý tài sản. Hạn chế các hoạt động tự doanh, tự đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính tiềm ẩn rủi ro, chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn từ khu vực ngân hàng, chủ động thu hút nguồn vốn trung và dài hạn từ các nhà đầu tư khác ở trong và ngoài nước.