Xuất khẩu sẽ vượt kế hoạch
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 26/08/2013
Theo Bộ Công thương, xu hướng xuất khẩu thường tăng dần từ sau tháng 6, bứt phá ngày càng mạnh vào những tháng cuối năm, thậm chí kể cả từng tuần trong tháng cuối của năm. Mặt khác, các doanh nghiệp (DN) thuộc một số ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, da giày, điện thoại, thiết bị điện tử... vẫn đang có trong tay những hợp đồng ra tấm, ra món để duy trì mức sản xuất tăng dần, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của đối tác nước ngoài. Do đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của năm 2013 có thể đạt 128 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với kế hoạch do Quốc hội và Chính phủ giao.
Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thượng Đình. Ảnh: Trí Minh |
Xét ở góc độ thời điểm, hiện còn hơn 4 tháng cho hoạt động này, song theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu tình hình kinh tế quốc tế chuyển biến tích cực sẽ kéo theo sự gia tăng về tiêu thụ hàng hóa trên phạm vi rộng. Đặc biệt, khi làn sóng đầu tư lấy lại được phong độ thì việc phát sinh nhu cầu tiêu dùng, chủ yếu là hàng gia dụng và thời trang sẽ xuất hiện như một hiệu ứng dây chuyền nhờ tâm lý, tập quán chi tiêu ở nhiều nơi trên thế giới. Những yếu tố đó có lợi cho DN xuất khẩu Việt Nam đồng thời còn là "dư địa để nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ đó các cơ quan điều hành vĩ mô có thể hy vọng một kết quả chung cuộc của năm 2013 cao hơn mức dự báo nói trên.
Một thực tiễn thú vị là mức xuất khẩu nửa sau của tháng 7 đã tăng vọt so với nửa đầu tháng, cho thấy sự chuyển biến rất tích cực cũng như đà tăng trưởng xuất khẩu của cộng đồng DN. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của kỳ 2 tháng 7 đạt 6,32 tỷ USD, tăng 22,6% so với kết quả thực hiện của kỳ 1. Đạt được sự bứt phá này là do sự gia tăng mạnh của các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; dầu thô; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng thủy sản; hàng dệt may... Dự báo của cơ quan chức năng cho biết, thời gian tới máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng sẽ có sự bứt phá tương tự. Việc ngày càng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao còn là minh chứng cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng CNH-HĐH một cách rõ nét, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam và đang diễn ra ngày một nhiều hơn, nhất là của khách hàng Nhật Bản. Trên thực tế, Việt Nam đang bước vào những vòng đàm phán cuối để gia nhập hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như việc khởi động vòng đàm phán hiệp định Thương mại tự do với các nước trong khối EU. Đây là những cơ hội tạo sự kích thích tăng trưởng cho hoat động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm da giày, dệt may, nông sản. Qua đó, DN của ta có cơ hội đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất và tiếp cận với các đối tác, thương hiệu lớn để mở rộng quy mô xuất khẩu.
Dự báo, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 sẽ đạt khoảng 133 tỷ USD và mức nhập siêu là 5 tỷ USD, bằng 3,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây sẽ là con số thấp so với mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao là 8,0% kim ngạch xuất khẩu trong năm kế hoạch 2013.