Nỗi khổ của người dân “làng bị điện giật”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:12, 26/08/2013

(HNM) - Vừa qua, Báo Hànộimới nhận được đơn của ông Nguyễn Hào Hiệp, thương binh hạng 4/4, ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì

Nơm nớp sống dưới lưới điện "tử thần"

Trao đổi với PV, ông Chử Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc thẳng thắn thừa nhận: "Đúng là có hơn chục trường hợp người dân bị điện giật trong thời gian gần đây. Có người vừa trèo lên ngôi nhà cấp 4, thấp lè tè để lợp lại mái ngói bị điện giật, có người đứng trên tầng 2 phơi quần áo cũng bị điện "cắn". Thậm chí, vào những hôm trời mưa, nếu đi chân đất, đứng dưới sân nhà ông Lã Văn Hiệu (80 tuổi) và bà Lã Thị Mích ở xóm 3, thôn 3, xã Vạn Phúc sẽ có cảm giác chân run run như có luồng điện chạy qua. Thực chất, các vụ tai nạn vừa qua là do "xông" điện từ đường dây trung thế 35KV, chứ chẳng có gì kỳ bí cả".

Đường dây điện lằng nhằng và nguy hiểm qua thôn 3 Vạn Phúc



Mới đây nhất, sáng 13-7-2013, anh Nguyễn Minh Hiển (35 tuổi) ở xóm 2, thôn 3 khi trèo lên mái nhà để sửa mái tôn đã bị điện từ đường dây trung thế 35KV chạy ngang qua phóng xuống khiến anh rơi xuống đất tử vong. Tại hiện trường, đường điện trung thế gồm 3 dây, võng xuống sát mái nhà, chỉ cao khoảng 4m so với mặt đất. Vì thế, khi anh Hiển tử vong, nhiều người không dám đến gần hiện trường do sợ điện từ đường dây trung thế phóng xuống.

Cái chết của anh Hiển như "giọt nước tràn ly", không chỉ người dân thôn 3 mà cả xã Vạn Phúc rất bức xúc vì đường điện trung thế 35KV mất an toàn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, tính mạng người dân. Không biết bao nhiêu lần bà con kiến nghị các ngành chức năng di chuyển đường dây điện nguy hiểm này ra xa khu dân cư nhưng đều không có kết quả. Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, Chử Văn Tý cũng khẳng định: "Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với lãnh đạo thành phố, UBND xã đã nhiều lần đề cập tới kiến nghị của bà con nhưng tới nay vẫn chưa nhận được hồi âm của bất cứ ban, ngành nào".

Tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Hào Hiệp (bố đẻ nạn nhân Nguyễn Minh Hiển) ấm ức: "Con trai tôi là lao động chính trong gia đình, vậy mà cháu phải chết một cách oan nghiệt. Thương con, cháu bao nhiêu, chúng tôi lại hận cơ quan chủ quản đường dây điện trung thế 35KV kia bấy nhiêu. Họ quá thờ ơ, vô cảm với cuộc sống và tính mạng của người dân".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 1968 Nhà máy Đại tu và Đóng tàu số II có văn bản thỏa thuận mượn đất của thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở và Hợp tác xã dịch vụ Thống Nhất, thôn 3, xã Vạn Phúc trong thời gian 19 năm để làm nhà ở cho công nhân và đầu tư kéo đường điện trung thế đi qua phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh của nhà máy. Hơn 40 năm trôi qua, khi giải thể, Nhà máy Đại tu và Đóng tàu số II trả lại cho địa phương phần đất làm nhà ở cho công nhân, nhưng không di dời đường dây điện trung thế 35 KV theo cam kết trong văn bản thỏa thuận. Trải qua thời gian, đường dây này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ông Chử Văn Tý cho biết thêm, trước năm 1971, khu vực đường dây trung thế 35KV chạy qua là cánh đồng lúa nên chưa thấy hết mức độ nguy hiểm. Bây giờ, là khu giãn dân, bà con tập trung đông đúc, nhiều gia đình đã xây nhà cao tầng, nên mức độ nguy hiểm lớn gấp bội. Sở dĩ Nhà máy Đại tu và Đóng tàu số II giải thể nhưng vẫn còn đường dây điện vì sau đó mặt bằng của nhà máy được Công ty Xây dựng và Đóng tàu số 10 Thăng Long (nay là Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long) thuê lại làm xưởng đúc cột bê tông và đường dây điện 35KV này trước thuộc quyền quản lý của Sở Điện lực Hà Tây (cũ).

Các đơn vị liên quan đùn đẩy trách nhiệm

Ông Đặng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Điện lực Thường Tín cho biết, theo hồ sơ, thì Nhà máy Đại tu & Đóng tàu số II đề nghị Chi nhánh điện lực Thường Tín (tỉnh Hà Tây cũ) xây dựng đường dây trung thế 35KV, kéo từ xã Hồng Vân xuống. Nhà máy này nằm trên địa phận thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, nên một đoạn đường dây phải đi qua thôn 3 xã Vạn Phúc. Năm 1987, do người dân đòi lại một phần đất cho mượn nên nhà máy đã di chuyển trạm biến áp lùi vào bên trong. Năm 2006, Công ty Xây dựng và Đóng tàu số 10 Thăng Long được Chi nhánh Điện lực Thường Tín mời đến làm việc để giải quyết vấn đề bảo đảm an toàn cho đường dây trung thế 35KV. Trong biên bản làm việc ngày 23-8-2006 khẳng định "tuyến đường dây 35KV nhánh 204 (tên gọi của đoạn đường dây đi qua thôn 3 xã Vạn Phúc) thuộc tài sản của Công ty Xây dựng và Đóng tàu số 10 Thăng Long; hiện trạng đường dây vi phạm khoảng cách an toàn". Chi nhánh Điện lực Thường Tín cũng yêu cầu Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long tăng cường phát quang hành lang đường điện, đồng thời sớm có kế hoạch di chuyển đường dây trung thế 35KV theo hướng khác để bảo đảm an toàn cho người dân. Căn cứ vào Biên bản làm việc ngày 23-8-2006, rất nhiều lần Chi nhánh điện lực Thường Tín đã gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu Công ty Xây dựng và Đóng tàu số 10 Thăng Long thực hiện phương án cải tạo và di chuyển tuyến đường dây 35KV nhánh 204 ra ngoài khu dân cư nhưng công ty này không chấp hành. Thậm chí, trong văn bản thông báo lần thứ 3 (tháng 9-2012), Chi nhánh Điện lực Thường Tín khẳng định: "Nếu Công ty Xây dựng & Đóng tàu số 10 Thăng Long để xảy ra tai nạn liên quan đến tuyến đường dây điện này, gây thiệt hại cho người dân thì Chi nhánh Điện lực Thường Tín sẽ ngừng cung cấp điện". Một lần nữa, văn bản của ngành điện lại như "đá ném ao bèo".

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Thắng tỏ ra bức xúc vì bỗng nhiên ngành điện phải chịu tiếng oan vì để xảy ra tai nạn do an toàn lưới điện. Nguyên nhân được ông Thắng khẳng định là do phía Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long không quyết tâm và không chịu đầu tư kinh phí thực hiện. Suốt 6 năm liền (từ 2006 đến 2012), Chi nhánh điện lực Thường Tín (nay là Công ty Điện lực Thường Tín) vẫn liên tục kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành lang đường điện nhánh 204 gửi thông báo cho chính quyền xã Vạn Phúc. Lý do khó cắt điện Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long, theo ông Thắng lý giải, vì trên địa bàn có 4 nhà máy đóng tàu đang hoạt động…

Sau hôm xảy ra tai nạn chết người ngày 13-7-2013, Điện lực Thường Tín, với trách nhiệm của mình, đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra và thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Minh Hiển. Sau đó, phía Điện lực Thường Tín cũng thông báo sự việc cho Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long nhưng họ chỉ cử một cán bộ kỹ thuật xuống. "Anh này lượn lờ ở đó được một lúc thì đi đâu mất" - ông Thắng cho biết thêm.

Ngày 17-7, Công ty Điện lực Thường Tín đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long để giải quyết dứt điểm những bức xúc dân sinh của người dân Vạn Phúc. Trong buổi làm việc Công ty Điện lực Thường Tín khẳng định việc duy tu, bảo dưỡng tuyến dây, việc để xảy ra tai nạn chết người là trách nhiệm của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long. Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long lại chối bỏ trách nhiệm cho rằng tuyến dây là tài sản của Nhà nước nên họ không phải chịu trách nhiệm. Tiếp đến, ngày 18-7 Thanh tra huyện Thường Tín đã làm việc với các đơn vị liên quan và kết luận: "Đường dây 35KV (từ cột 14b đến cột 31)

Triệu Dương