Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP: Khó khăn do biến động

Kinh tế - Ngày đăng : 06:06, 26/08/2013

(HNM) - Theo Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố giao theo NĐ 64/CP cho các hộ, gia đình được hơn 135.400ha...



Từ việc giao ruộng đất ổn định cho nông dân, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố đã chuyển dịch đúng hướng. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới vào sản xuất được đẩy mạnh, bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì còn nhiều khó khăn.


Bên cạnh những thành quả to lớn từ chính sách giao ruộng đất ổn định cho nông dân thì cũng nổi lên một số khó khăn, tồn tại. Đó là việc giao đất trước đây được tính theo nhân khẩu tại thời điểm giao ruộng chủ yếu là năm 1993. Từ đó đến nay, nhân khẩu mới phát sinh có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì không được chia ruộng, trong khi những người được chia ruộng đã mất hoặc đã chuyển sang ngành nghề khác, thoát ly khỏi nông nghiệp lại vẫn có. Ở nhiều địa phương có tình trạng, một gia đình 10 người nhưng chỉ có 1-2 sào ruộng, thậm chí không có ruộng để sản xuất, ngược lại có gia đình 3 hoặc 4 nhân khẩu nhưng có tới hơn mẫu ruộng. Việc giao đất của các địa phương trước đây cũng không đồng bộ, có nơi giao ruộng trước năm 1993, có nơi thực hiện sau khi chia ruộng. Do đó dẫn tới tình trạng một số thương, bệnh binh ở huyện Quốc Oai và nhiều gia đình có trẻ em sinh ra tại thời điểm chia ruộng nhưng chưa được bổ sung vào phương án giao đất ở các địa phương, thời gian qua liên tục có đơn đề nghị giao đất nông nghiệp theo NĐ 64/CP... Bên cạnh đó, trước đây đất giao cho các hộ nông dân thực hiện theo phương châm "có xấu - tốt - xa - gần" nên ruộng đất manh mún. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo dồn điền, đổi thửa, tuy nhiên tiến độ thực hiện của nhiều địa phương còn chậm, đến nay mới dồn đổi được hơn 44.530ha. Một vấn đề khá nhức nhối nữa ở nhiều địa phương là việc quản lý quỹ đất vào mục đích công ích, đất nông nghiệp khó giao tại các địa phương còn nhiều bất cập. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê, cho mượn diễn ra khá phổ biến, thống kê sơ bộ đã có trên 80 ha đất nông nghiệp đã bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lấn chiếm...

Để quản lý chặt việc sử dụng đất nông nghiệp, cần phải điều chỉnh bổ sung cho phù hợp như điều chỉnh từ người không có nhu cầu sang người có nhu cầu để tạo sự công bằng và phát huy hơn nữa tiềm năng đất đai. Vì vậy các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương rà soát, xác định chính xác quỹ đất nông nghiệp đã giao, chưa giao, đất công ích và đất nông nghiệp khó giao đủ điều kiện trồng được hai vụ lúa trở lên. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp giao theo NĐ 64 và đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất bãi ven sông trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP về công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp giao theo NĐ 64, đất công ích, đất bãi bồi ven sông, kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý vi phạm về sử dụng đất, nhất là trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp...

Bài, ảnh: Thúy Nga