Đảng viên gương mẫu thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy: Tạo sức lan tỏa lớn
Chính trị - Ngày đăng : 06:01, 26/08/2013
Ý nghĩa thiết thực
Đối với người dân phường Việt Hưng (quận Long Biên), việc tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa khu dân cư, ít mâm, không bày thuốc lá giờ đã trở nên quen thuộc. Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11, Đảng ủy phường đã ra nghị quyết triển khai thực hiện. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường, Âu Mạnh Hùng, cho biết: "Thực hiện Chỉ thị 11, trên địa bàn phường con cái cán bộ, đảng viên cưới khá nhiều, nhưng không có vi phạm. 100% cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hiện chủ trương này". Phường có 3 nhà văn hóa khu dân cư, từ gần một năm nay, đã trở thành nơi tổ chức đám cưới của nhiều gia đình. Đảng ủy, chính quyền và đặc biệt là chi ủy, đoàn thể tổ dân phố, người dân đều tham gia giám sát việc thực hiện, nên nếu có đảng viên vi phạm, cả phường đều biết ngay. Các khu dân cư của phường Việt Hưng còn thực hiện một quy ước riêng được người dân hết sức ủng hộ: Mỗi đôi trai gái khi đăng ký kết hôn thì tự nguyện "đặt cọc" 500.000 đồng cam kết không bày thuốc lá trong tiệc cưới. Nhờ cách làm này, nhiều người trong phường bỏ thói quen hút thuốc. "Nhiều bác lớn tuổi trước đây hút thuốc rất nhiều, nay đã bỏ. Ngay như chúng tôi có 12 bác tổ trưởng tổ dân phố, trước đây hầu hết đều hút thuốc, nay chỉ còn 2 người. Có lẽ sắp tới cũng bỏ" - ông Hùng cho hay. Tình trạng đám cưới ngập ngụa khói thuốc lá, tràn lan rượu bia đã không còn. Thay vào đó là các đám cưới tiết kiệm, đầm ấm và vui tươi.
Đám cưới tập thể theo mô hình văn hóa mới của thanh niên quận Hoàng Mai được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Không riêng ở phường Việt Hưng, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội cũng đang quen dần với hình thức tổ chức đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm, nhưng trang trọng, ý nghĩa tại nhiều quận, huyện như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn... Xuất hiện nhiều mô hình tổ chức đám cưới nếp sống mới như tổ chức tiệc trà, báo hỷ sau cưới, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, không làm quá 40 mâm cỗ, tổ chức đám cưới tập thể, mỗi đám cưới ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương giá trị một mâm cỗ, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường; đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ…
Sức lan tỏa còn có thể lớn hơn
Góp phần nêu gương, xây dựng nếp sống mới này có công quan trọng của đông đảo cán bộ chủ chốt, đảng viên, đoàn viên thanh niên, nhất là những đồng chí giữ cương vị chủ chốt. Tiếp xúc với cán bộ các địa phương, nhiều người biết chuyện, khi Chỉ thị 11 ra đời cũng là dịp có gia đình một số đồng chí lãnh đạo thành phố tổ chức đám cưới cho con. Các đồng chí đã thực hiện rất nghiêm, tổ chức gọn nhẹ trong gia đình, không mời cán bộ trong cơ quan. Sau khi hoàn thành việc cưới cho con mới gửi thiệp báo hỷ cho bạn bè, đồng nghiệp. Một cán bộ huyện Sóc Sơn cho biết: "Lãnh đạo thành phố còn làm được như vậy, không có lý do gì cán bộ, đảng viên ở cơ sở lại không thực hiện được". Sự nêu gương càng ở cấp cao càng có sức lan tỏa lớn.
Ở cấp quận, huyện, nhiều cán bộ chủ chốt, đảng viên đã rất ý thức trong việc thực hiện Chỉ thị 11. Các cán bộ, đảng viên huyện Sóc Sơn cho biết, gia đình Chủ tịch UB MTTQ huyện Đỗ Văn Chính vừa cưới con tháng trước đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 11, không mời cán bộ, lãnh đạo huyện, chỉ báo hỷ sau khi tổ chức xong đám cưới cho con. Ở quận Hoàn Kiếm, gia đình Bí thư Quận ủy vừa tổ chức đám cưới cho con, cũng đã nêu gương thực hiện Chỉ thị 11. Những tấm gương như vậy khiến cán bộ, đảng viên không chỉ trên địa bàn trân trọng, học tập mà còn lan tỏa sang địa phương khác. Từ nêu gương của cán bộ chủ chốt, đảng viên, việc tổ chức đám cưới theo tinh thần Chỉ thị 11 đang ngày càng trở thành phong trào thi đua rộng rãi trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tế vẫn có những đám cưới chưa thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 11. Thậm chí trong dư luận vẫn còn có những cách suy diễn, chống chế ý nghĩa thiết thực, tốt đẹp của Chỉ thị 11. Phó Bí thư Đảng ủy phường Việt Hưng Âu Mạnh Hùng cho biết, dù rất ít nhưng vẫn có những trường hợp cố tình "lách" quy định của thành phố. Trong khi đó, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Quang Cảnh cho rằng, để thực hiện nghiêm Chỉ thị 11, các cấp ủy Đảng phải tăng cường giám sát, kịp thời nhắc nhở phê bình cán bộ, đảng viên. Chỉ khi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt mới tạo ra sức lan tỏa trong xã hội, người dân mới cùng hưởng ứng theo.
Một điều đáng băn khoăn nữa là các cán bộ, đảng viên không thuộc Đảng bộ TP Hà Nội (chiếm đến 70%) sống trên địa bàn thành phố rất đông nhưng không phải đối tượng bắt buộc thực hiện Chỉ thị 11. Nên thời gian qua trên địa bàn vẫn còn nhiều những đám cưới rình rang, lãng phí của cán bộ, đảng viên tác động tiêu cực đến dư luận. Đây là điều khiến các cấp ủy, nơi có đảng viên sinh hoạt hai chiều phải suy nghĩ để có biện pháp phù hợp. Mùa cưới đang đến gần, những lợi ích của việc tổ chức nếp sống văn minh trong việc cưới đã rõ, mong rằng cấp ủy các cấp sát sao hơn nữa trong tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện để Chỉ thị 11 sẽ ngày càng lan tỏa hơn trong đời sống nhân dân.