Chọn gì giữa những "nhiễu nhương"?
Công nghệ - Ngày đăng : 06:19, 25/08/2013
Bài 1: Trong cuộc đua khốc liệt
Từ mức sơ khai ở buổi đầu hình thành, hơn chục năm qua cho thấy dịch vụ THTT ở Việt Nam đã gần tới hạn của sự phong phú về loại hình dịch vụ, chỉ xét về cách thức truyền dẫn đã đủ cả số mặt đất, số vệ tinh, cáp, truyền hình internet, truyền hình di động… "Miếng bánh" THTT tỏ rõ sự hấp dẫn, bởi tính đến nay, người ta nói rằng có tới 50 nhà cung cấp dịch vụ này và con số có thể còn tăng. Điều gì xảy ra khi có quá nhiều doanh nghiệp cùng nhảy vào thị trường THTT mà không phải ai cũng có đủ tiềm lực?
Người dùng nên lựa chọn đúng dịch vụ mình cần thay vì chạy theo “tâm lý số đông” và lệ thuộc vào thông tin một chiều từ nhà cung cấp dịch vụ. Ảnh: Trung Kiên |
Thị trường giàu tiềm năng
Cho tới tháng 8 này, với sự xuất hiện của Viettel và FPT Telecom, số nhà cung cấp dịch vụ THTT ở nước ta đã lên con số trên dưới 50, quá nhiều so với thông lệ ở nhiều nước có hệ thống THTT phát triển hiệu quả. Điều đáng nói là xét về chất lượng dịch vụ, số nhiều nói trên chưa bảo đảm cho mục tiêu làm hài lòng người tiêu dùng. Hiện nay, theo người trong giới, chỉ VTVcab, VTC, SCTV, VSTV, AVG, HCaTV (Hà Nội), HTV TP Hồ Chí Minh là có quy mô đáng kể, thu hút nhiều thuê bao.
Đối với nhà cung cấp dịch vụ THTT, số thuê bao thường được giữ bí mật. Tuy thế, bằng những nguồn riêng, báo chí đã nêu ra con số tương đối cụ thể, mà theo đó, ở Việt Nam, tính chung cho tất cả các loại dịch vụ thì số thuê bao THTT hiện vào khoảng trên dưới 4 triệu. Những tính toán tiếp theo cho thấy số thuê bao nói trên mới phục vụ khoảng 20% số hộ gia đình ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở đô thị, khu vực nông thôn vẫn còn là mảnh đất màu mỡ chờ nhà cung cấp dịch vụ. Theo các chuyên gia và nhà quản lý lĩnh vực này, thực tế phát triển dịch vụ THTT trên thế giới cho thấy điểm tới hạn, như người ta nói là bão hòa khi tỷ lệ trên đạt mức 70-80%. Phân tích nói trên giúp đưa ra nhận định rằng, dịch vụ THTT ở Việt Nam vẫn còn là mảnh đất màu mỡ đối với nhà cung cấp dịch vụ.
Thực tế cho thấy, các đơn vị cung cấp dịch vụ THTT đang hoạt động tự phát, "trăm hoa đua nở" và mạnh ai nấy làm. Những chỉ dẫn và giải pháp quản lý chưa đủ để định hướng thị trường vận hành đúng luồng, như đã có nhận định được thừa nhận "thị trường THTT lành mạnh là thị trường vì quyền lợi của người tiêu dùng". Trong một thời gian dài, các đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố đua nhau cung cấp dịch vụ THTT. Sự phát triển ấy không tuân theo quy hoạch mà dựa trên ưu thế độc quyền về truyền dẫn trên địa bàn. Đã xuất hiện doanh nghiệp xin được giấy phép cung cấp dịch vụ, vì không đủ năng lực nên đã sang nhượng quyền cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khác. Cách làm dịch vụ manh mún, tự phát, "ăn xổi" dẫn đến hệ lụy là chất lượng dịch vụ hạn chế, địa bàn vùng sâu, vùng xa bị "bỏ trống".
Tại một cuộc tọa đàm bàn tròn có liên quan đến thị trường THTT trong năm nay, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cho rằng với THTT, viễn cảnh trong những năm tới sẽ rất tươi sáng. Các kênh truyền hình có chất lượng cao hơn, số kênh nhiều hơn, giá thấp hơn và người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận dịch vụ như người thành phố. Tuy thế, cần phải nói rằng, viễn cảnh ấy chỉ có thể trở thành hiện thực nếu số doanh nghiệp tham gia thị trường được "tinh chỉnh", biết lấy số lượng và sự hài lòng của người tiêu dùng làm ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực hướng tới lợi nhuận chính đáng.
Cạnh tranh bằng nội dung hay "chiêu trò"?
Lâu nay, người ta nói rằng, nhiều nhà cung cấp dịch vụ THTT ở Việt Nam có cách cạnh tranh lạ lùng, thu hút thuê bao không dựa trên nỗ lực sản xuất chương trình riêng, tạo ra giá trị gia tăng cho thuê bao mà chăm chăm độc quyền loại chương trình nào đó, lợi dụng ưu thế địa bàn.
Sự độc quyền về địa bàn hoặc các chương trình "hot" giúp nhà cung cấp dịch vụ hài lòng nhưng không có giá trị thúc đẩy nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ từ phía doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ xét riêng một số nhà cung cấp dịch vụ lớn thương hiệu đã được thừa nhận như: VTVcab, SCTV, VSTV, HCaTV… có thể thấy một số nơi kinh doanh theo kiểu "ăn sẵn", rất "lười" sản xuất chương trình riêng. Hè này, cùng với gói độc quyền mới (trận đấu sớm ngày thứ bảy trong khuôn khổ Giải bóng đá ngoại hạng Anh 2013-2014), VSTV (sở hữu thương hiệu K+) rùm beng ra mắt kênh truyền hình mới K+PM, như nhà cung cấp nói là tích hợp "mọi thứ đàn ông muốn, mọi thứ đàn ông cần và mọi điều đàn ông thích". Sau hơn nửa tháng kênh này lên sóng, người dùng té ngửa trước "hư chiêu" của nhà cung cấp dịch vụ, đơn giản vì K+PM (được nhiều người gọi là K+ Phái mạnh) cũng như K+NS, K+1, K+PC, thực chất là kênh giải trí tổng hợp không rõ điểm nhấn. Kênh nào cũng phát vài bộ phim (đa số cũ mèm), vài trận bóng đá, vài chương trình "Trận đấu 10 phút", tạp chí thể thao - giải trí… So với VTVcab, VTC, SCTV…, số chương trình tự sản xuất của K+ chẳng thấm vào đâu. Còn với số chương trình nước ngoài được tích hợp trong gói kênh K+, những kênh "hot" như HBO, Star Movies, AXN, Chanel V, Star World, Fox Sport, Discovery… thì thuê bao dịch vụ nào mà chẳng xem được.
Cuộc tranh giành sở hữu bản quyền phát sóng trực tiếp Giải bóng đá ngoại hạng Anh 2013-2016 trong thời gian qua chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" dễ thấy trong cách thức cạnh tranh dựa trên sự độc quyền của các thương hiệu THTT lớn ở Việt Nam. Trong thực tế, K+ có ưu thế lớn về bản quyền bóng đá quốc tế, SCTV "có quyền" với một số trận quyền anh đỉnh cao, VTVcab "thủ riêng" nhiều giải bóng chuyền, quần vợt, cầu lông; HTV TP Hồ Chí Minh "có tí bóng đá riêng", như những trận đấu trong khuôn khổ FA Cup; VTC "chăm chỉ" với bóng đá Hà Lan, Nhật Bản dù đó không phải "của riêng" của họ... Cuộc chiến bản quyền thể thao hứa hẹn căng thẳng hơn nữa khi sắp tới, bản quyền hiện tại đối với các giải bóng đá Đức, Tây Ban Nha, Italia của một số đài hết hạn.
Rõ ràng là sự độc quyền, dù là ở hình thức nào cũng có thể dẫn tới hệ lụy mà quan trọng nhất là làm giảm "ý chí phấn đấu" của phía cung cấp dịch vụ trong việc nâng cao chất lượng kênh - sóng. Trong bối cảnh ấy, người tiêu dùng cần có cách ứng xử thông minh, chọn đúng loại dịch vụ mình cần thay vì chạy theo "tâm lý số đông" và quá lệ thuộc vào thông tin một chiều từ nhà cung cấp.
(còn nữa)