ICISE - Một điểm hẹn khoa học

Công nghệ - Ngày đăng : 06:50, 23/08/2013

(HNM) - Điểm nhấn của chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 là sự kiện khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). Mục đích lớn nhất của ICISE là trở thành một

Bày tỏ cảm tưởng tại lễ khánh thành ICISE, GS Sheldon Lee Glashow, nhà khoa học vật lý người Mỹ được trao giải Nobel, nói: "Hôm nay là một ngày của đỉnh cao, ngày mà giấc mơ từ rất lâu của những người bạn, đồng nghiệp thân mến của tôi là vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã trở thành hiện thực. Trung tâm này được xây dựng dành cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, các nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước Châu Á. Những khám phá khoa học mới nhất sẽ được giới thiệu thường xuyên tại trung tâm này để khuyến khích những nghiên cứu thông qua hợp tác, trao đổi thông tin quốc tế. Đó là cách các nước trên thế giới làm việc cùng nhau".

Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành.



ICISE chỉ mất hơn một năm xây dựng kể từ khi được động thổ vào tháng 7-2012. Tiến độ của công trình có diện tích sàn 200.000m2 này gây ngạc nhiên cho chính những người tham gia triển khai dự án. Kiến trúc Pháp hiện đại và chỉn chu trong từng chi tiết của ICISE mang đến một khái niệm mới về trung tâm hội nghị. Đây là một tổ hợp công trình kiến trúc gồm: khu trung tâm hội nghị, khu khách sạn, nhà hàng, nhà chiếu hình vũ trụ, những ngôi nhà gỗ hiên rộng dành cho các gia đình, nhà suy ngẫm (loại nhà sàn nhỏ hai bên bờ sông), cũng như nhiều công trình dịch vụ tiện ích. Khuôn viên Trung tâm được thiên nhiên ưu đãi hiếm thấy, vừa có biển, vừa có một dòng sông nhỏ chảy qua, có cánh rừng dừa xanh ngắt… Tham vọng của các nhà đầu tư là xây dựng một nơi có kiến trúc trang nhã, với không gian yên tĩnh để tạo điều kiện cho sự sáng tạo và các ý tưởng khoa học nảy sinh. Nhiều nhà bác học trên thế giới đã hết lời khen ngợi, coi đây là một điểm hẹn khoa học rất lý tưởng, đúng như lời GS Glashow: "Hãy để các cánh cửa vũ trụ mở toang".

Còn nhiều bộn bề

Năm 2009, GS Trần Thanh Vân và lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nêu ý tưởng xây dựng một Trung tâm Hội nghị Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Việt Nam. Tháng 11-2011, dự án chính thức được khởi công trên diện tích 20ha với nguồn vốn ít ỏi do giáo sư Trần Thanh Vân tích lũy hàng chục năm. Đến nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn I gồm 1 tầng hầm và 3 tầng lầu. Trong giai đoạn đầu, một tòa nhà hội nghị với một hội trường lớn (350 chỗ ngồi), một phòng hội thảo (150 chỗ ngồi), hai phòng tọa đàm (mỗi phòng 40 chỗ ngồi), các văn phòng là nơi làm việc của nhân viên và các nhà khoa học khách mời, nhà ăn… được xây dựng. Đây sẽ là nơi tiếp nhận, tổ chức các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, những khóa đào tạo dành riêng cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ, tổ chức theo chuyên ngành thông thường hoặc theo từng chủ đề. Mỗi cuộc hội thảo sẽ tiếp đón khoảng 70 tới 150 người tham dự trong vòng 6 ngày, còn các khóa đào tạo theo chủ đề sẽ dành cho 40 tới 50 nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ trong vòng hai tuần. Giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ triển khai xây dựng nhà chiếu vũ trụ, trường kỹ thuật, tổ hợp khách sạn...

Sự ra đời của Trung tâm Hội nghị Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành chính là đầu mối kết nối giữa các nền khoa học trẻ ở Châu Á với những trung tâm trí thức lớn trên thế giới. Thông qua mối quan hệ rộng rãi của GS Trần Thanh Vân và Hội Gặp gỡ Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc kỳ vọng, Bình Định sẽ thiết lập được mối quan hệ với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với các dự án đang chuẩn bị triển khai tại tỉnh.

Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng thêm các hạng mục, bảo đảm sự hoàn chỉnh và tiện nghi cho công trình, nhằm phục vụ lâu dài, ổn định cho các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và nhiều hoạt động bổ ích khác, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là về kinh phí.

Bài, ảnh: Liên Cơ