Mối đe dọa từ sản phẩm tồn kho
Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 23/08/2013
Do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các chỉ số phát triển của tập đoàn đều chưa đạt mục tiêu kỳ vọng: Sản lượng khai thác thấp, suất đầu tư tăng và mức tiêu thụ không cao, lượng tồn kho khoảng 7,5 triệu tấn, trong đó than sạch thành phẩm hơn 5,4 triệu tấn.
Tồn kho cao
Từ tháng 5-2013, do tăng thuế xuất khẩu nên sản lượng than xuất khẩu gặp khó, nhiều chủng loại bán ra không bù đắp được chi phí. Ngành than dự kiến trong năm nay nếu được điều chỉnh giảm thuế, lượng than tiêu thụ tối đa đạt khoảng 39 triệu tấn. Để giảm lượng tồn kho, các công ty sẽ phải giảm sản lượng 10-22% kế hoạch năm. Ngành than cũng đang phải đối mặt với vấn đề giá thành và nguồn nhân lực khi mỏ lộ thiên giảm dần, phải khai thác sâu hơn, nguy cơ về sự cố cao hơn.
Dây chuyền sản xuất than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông. Ảnh: Yến Ngọc |
Công ty CP than Mông Dương - Vinacomin (MDC) báo cáo quý II-2013 lỗ 12 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm nay lỗ 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 vẫn đạt lợi nhuận 14,5 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm nhưng chi phí tài chính của công ty này tăng đáng kể khi 6 tháng đầu năm MDC đã phát sinh khoản vay ngắn hạn hơn 114 tỷ đồng, dù con số này hồi đầu năm là bằng 0; chi phí lãi vay phải trả là 35,86 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, Công ty CP than Cao Sơn-Vinacomin (TCS) và Công ty CP than Đèo Nai (TDN) có mức lỗ lần lượt là 69,4 tỷ đồng và 56,54 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2013. Doanh thu của cả hai doanh nghiệp (DN) này không giảm nhiều nhưng chi phí hoạt động bán hàng và quản lý lại tiêu tốn khá nhiều tiền so với quý I-2013 khiến DN rơi vào… tình trạng thua lỗ. Cả TDN và TCS đều đang có hàng tồn kho ở mức cao. Tính đến hết tháng 6-2013, hàng tồn kho của TDN trị giá 347,6 tỷ đồng, tăng 66,36% so với cuối năm 2012; tồn kho của TCS là 277,4 tỷ đồng, tăng 222%.
Khó xuất khẩu
Giá chào bán mỗi tấn than của TKV hiện đã tăng thêm ít nhất 3 USD/tấn tùy chủng loại sau đợt tăng thuế xuất khẩu từ 10% lên 13%. Do giá cao hơn các nhà cung cấp khác, TKV hầu như không ký được các hợp đồng xuất khẩu lớn. Theo TKV, từ cuối tháng 6 đến nay, TKV chỉ ký được hợp đồng xuất khẩu vài nghìn tấn ở một số chủng loại than chất lượng cao. Các loại than thông thường, hàng tháng hay xuất đi theo hợp đồng lớn cỡ hơn 1 triệu tấn (than 9A hay 11A) thì không bán được. Lý do của việc bị dừng các hợp đồng xuất khẩu là do thuế xuất khẩu đã tăng từ 10% lên 13% kể từ ngày 7-7, dẫn đến việc phải tăng giá bán xuất khẩu tương ứng. Mỗi chủng loại than của TKV từ ngày 7-7 đã tăng thêm từ vài USD đến vài chục USD/tấn. Theo cập nhật thị trường than thế giới đến 8-7, than Quảng Châu (Trung Quốc) loại 11A được chào bán giá 55-56 USD/tấn trong khi giá TKV chào bán là 69 USD/tấn. Năm 2012, để hạn chế chi phí, TKV đã cắt giảm 10% lương công nhân so với năm trước và đầu năm nay giảm thêm 5% nữa. Tuy nhiên, điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, cho dù tiết giảm cả chi phí công nghệ cũng không thể hạ được giá thành. Thêm nữa, cứ 10% sản lượng cắt giảm là ảnh hưởng đến việc làm của 10.000 lao động.
Theo kế hoạch, năm nay lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của TKV khoảng 43 triệu tấn, nhưng thực tế có thể chỉ tiêu thụ được 38-39 triệu tấn. Tại thị trường trong nước, ngành điện có sức tiêu thụ lớn nhất. Nhưng giá than bán cho điện hiện chỉ bằng 83% đến 87% giá thành sản xuất.