Dòng vốn hiệu quả cho phát triển tam nông

Tài chính - Ngày đăng : 06:09, 23/08/2013

(HNM) - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây đã phối hợp với Hội Nông dân TP Hà Nội cho vay tín chấp thông qua tổ nhóm, thủ tục đơn giản, nhanh gọn...


Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Thanh Oai cho biết: Cuối năm 2009 dư nợ cho vay qua tổ nhóm trên địa bàn huyện giảm chỉ còn 208 hộ, dư nợ chưa tới 2 tỷ đồng. Nhưng Nghị định 41 ra đời vào tháng 4-2010 cùng một số chính sách tín dụng quy định hộ nông dân được vay 50 triệu đồng, HTX và các cơ sở sản xuất lớn được vay vài trăm triệu đồng mà không cần thế chấp… đã thực sự "cởi trói" cho cả ngân hàng và nông dân. Huyện Thanh Oai có tới 80% số hộ sản xuất nông nghiệp cần vốn, trong đó nhiều hộ thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp. Nhờ chương trình phối hợp giữa Ngân hàng NN&PTNT Thanh Oai và Hội Nông dân Thanh Oai, gần chục nghìn hộ đã được tín chấp vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất nghề phụ... Cũng nhờ đó các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu, đoàn kết xóa đói giảm nghèo có thêm động lực lan tỏa, đạt kết quả cao. Thanh Oai đã xây dựng được 225 tổ vay vốn, số hộ có quan hệ thường xuyên là 7.000 hộ, chiếm 65% số khách hàng vay vốn. Dư nợ đạt 70 tỷ đồng, chất lượng vay thông qua tổ nhóm tốt, tỷ lệ nợ xấu chỉ dưới 0,2% tổng dư nợ.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Trung cho biết thêm, việc cho vay qua tổ nhóm là hình thức ưu việt để đồng vốn của ngân hàng đến với nông dân nhanh chóng, thuận lợi nhất, đơn vị phấn đấu đến cuối năm có thêm 1.000 hộ dân được vay vốn tín chấp thông qua tổ nhóm, dư nợ cho vay qua tổ đạt 100 tỷ đồng.

Tại huyện miền núi khó khăn như Ba Vì, vốn của Ngân hàng NN&PTNT là kênh quan trọng hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Thông qua tín chấp, hiện đã có 1.523 hộ được vay vốn với dư nợ gần 45 tỷ đồng. Trước đây, nông dân muốn vay phải làm nhiều thủ tục, khó khăn nhất là phải có tài sản thế chấp, trong khi nhiều hộ có đất đai nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Thủ tục công chứng cũng vất vả, cả huyện chỉ có một văn phòng công chứng, người dân phải đi xa tới 30-40km, Chủ tịch Hội Nông dân Ba Vì Nguyễn Thị Hải Yến cho biết. Nghị định 41 ra đời và việc tăng cường cho vay qua tổ nhóm là đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn... Vấn đề "khát vốn" của các hộ dân có nguyện vọng mở rộng sản xuất đã được giải tỏa.

Việc cho vay tín chấp qua tổ nhóm thực sự là chủ trương lớn phù hợp lòng dân, được đông đảo nông dân đồng tình. Đó còn là cầu nối, gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức tín dụng với các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Năm 2011-2012, dư nợ cho vay nông nghiệp của Ngân hàng NN&PTNT chỉ chiếm 65-75% thì nay đã chiếm tới 85% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây đã đạt 8.929 tỷ đồng, tăng 377 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 85% tổng dư nợ. Toàn chi nhánh có 905 tổ vay vốn đang hoạt động, số hộ dư nợ đạt 13.921 hộ với số tiền đạt trên 477 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 240 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,18%. Trong đó cho vay qua 336 tổ nhóm với 5.628 hộ dư nợ, số tiền 155 tỷ đồng chiếm 33% tổng dư nợ cho vay qua tổ nhóm, tăng so với đầu năm là 67 tỷ đồng. Một số chi nhánh thực hiện cho vay tốt như Ba Vì, Thanh Oai, Hòa Lạc, Quốc Oai. Ngân hàng NN&PTNT Hà Tây phấn đấu đến cuối năm 2013, mỗi chi hội có 1 tổ vay vốn mới, đạt 1.000 tổ, số hộ vay đạt 18.000 hộ, dư nợ trên 900 tỷ đồng.

Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho rằng: Cơ chế lãi suất được điều chỉnh giảm trong thời kỳ này được coi là "đòn bẩy" cho kinh tế hộ phát triển, tuy nhiên cần phân loại đánh giá các tổ nhóm cho vay vốn, chấn chỉnh tổ nhóm yếu; các chi nhánh ngân hàng phối hợp với các cấp hội nông dân mở rộng cho vay thông qua tổ nhóm, tăng nhanh nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất.

Bạch Thanh