Xây dựng Quy chế quản lý QH kiến trúc chung Hà Nội: Còn nhiều "lúng túng"

Xã hội - Ngày đăng : 10:36, 22/08/2013

(HNMO) – Sáng 22/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đã chủ trì phiên họp tập thể UBND TP tháng 8, đóng góp ý kiến cho vấn đề kiểm soát lớn của Hà Nội.


Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên khoảng 3.344,6km2 (334.460ha), theo đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, năm 2020 tổng diện tích xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 129.900ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 73.000ha (chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên). Đến năm 2030, tổng diện tích xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 84.700ha (chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên).



Theo dự thảo do Viện Quy hoạch Kiến trúc trình bày, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP Hà Nội có mục tiêu quản lý về thực hiện theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt; đồng thời kiểm soát theo định hướng phát triển quy hoạch, kiến trúc, bảo vệ cảnh quan chung trên phạm vi toàn thành phố; kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc của các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội.

Dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố Hà Nội gồm có 3 phần, trong đó có quy định cụ thể đối với: quy chế quản lý quy hoạch không gian thành phố Hà Nội; quy chế quản lý đối với công trình kiến trúc; quy chế quản lý đối với không gian cảnh quan thành phố; quy chế quản lý đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Tại hội nghị Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải đề nghị Viện Quy hoạch Kiến trúc cần tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan như các Bộ Quốc phòng, Xây dựng, Nông nghiệp…, bổ sung thêm văn bản mới như Luật Thủ đô, Nghị định 11 và các văn bản liên quan. Về tổ chức thực hiện cần rà soát trách nhiệm chức năng của các sở ngành, các bộ ngành, các khu công nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo quy chế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: Quy hoạch chung TP Hà Nội có quy định quản lý theo đồ án đi kèm chỉ mang tính lý thuyết, tương lai; theo đó quy chế quản lý này cần rất cụ thể. Thủ tướng có yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn 5 quy chế. Sau quy chế chung còn có quy chế đến các quận, các trung tâm từ vành đai 4 trở vào, quy chế của các thị xã… Việc xây dựng quy chế phải có tính chỉ đạo rõ ràng. Mục tiêu phải phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; kiểm soát chỉnh trang cải tạo, đô thị; là cơ sở quản lý các quận, huyện, thị xã… Hơn nữa, Thứ trưởng cũng cho rằng cần soạn lại quy chế theo hướng cô đọng, rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng băn khoăn nhiều vấn đề trong dự thảo đang bị lẫn. Về quy hoạch đã có quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, nếu thiếu chỉ có quy hoạch chi tiết. Về kiến trúc, phải tách kiến trúc công trình, tầng cao, mật độ, trường phái… đưa vào dự thảo bị lẫn. Về quản lý, dự thảo chưa nói rõ phần quản lý nhà nước. Trách nhiệm của TP giao cho các Sở Quy hoạch Kiến trúc, quận, phường, xã… cần phân cấp như thế nào? Tiếp đó là theo dõi, kiểm tra, xử lý, phân công trách nhiệm; Đối tượng bị quản lý cần làm rõ.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã biểu dương Viện Quy hoạch Kiến trúc, một số trường đại học, Sở Xây dựng… đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP Hà Nội rất lâu, công phu, khoa học (đã lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học). Tuy nhiên, từ quy chế chung, còn có các quy chế khu phố cổ, phố cũ, hành lang xanh, sinh thái…Quy chế chung là quy chế “mẹ” phải bao quát được toàn TP. Dự thảo cần bám vào quy chế quản lý quy hoạch không gian, phần vùng, phân khu, khu vực đô thị mới, cảnh quan, khu vực bảo tồn, khu vực giáp ranh…; quy chế quản lý công trình công cộng, nhà ở kiến trúc…; quy chế quản lý với công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, Chủ tịch cũng bày tỏ bức xúc Hà Nội còn nhiều “rác trời”, “rác tường” với các loại dây điện lằng nhằng, biển quảng cáo lung tung… gây mất mỹ quan TP cần quản lý.

Về phần tổ chức thực hiện, cần xây dựng quy chế giao trách nhiệm cho các ngành, quận, huyện, thị xã… Trên cơ sở đó, Chủ tịch yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo quy chế, Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định lại, để TP phê duyệt trong tháng 9/2013.

Lan Hương