Cần thay đổi tư duy giáo dục bằng roi vọt

Giáo dục - Ngày đăng : 07:16, 22/08/2013

(HNM) - Ngày 6-8-2013, bé Hà (3 tuổi, học sinh Trường Mầm non Viet Sing IQ, Khu đô thị mới Xa La, Hà Đông) vì giằng giường ngủ, không cho cô giáo cất mà bị cô dùng tay đánh vào má.


Sau đó cô cố gắng "phi tang" bằng cách chườm đá lạnh với mong muốn xóa vết đỏ nhưng lại khiến má cháu bị sưng, bầm tím. Khác với các trường hợp bạo hành học đường khác đã từng xảy ra trước đó, cô giáo này được phụ huynh và giám hiệu nhà trường đánh giá từ trước đến nay rất được tin tưởng, có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với học sinh. Sau khi sự việc xảy ra, bản thân cô đã thành khẩn nhận lỗi và tỏ rõ sự ân hận với hành vi mình gây ra.

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao về một đoạn phim ngắn (clip) về một người phụ nữ mặc áo dài hoa ngồi tại bàn giáo viên cầm một chiếc thước kẻ dài lần lượt gọi học sinh theo danh sách lên bục giảng để đánh. Điều đáng nói là những lời bình luận về clip này lại chủ yếu mang nội dung: "đánh là đúng rồi", "yêu cho roi cho vọt", "đánh như vậy là còn nhẹ"...

Bản thân tôi không ít lần chứng kiến những bậc phụ huynh thẳng thừng giang tay tát vào má, đánh vào đít, vụt roi... trẻ ở bất cứ môi trường nào: ở nhà, nơi vui chơi công cộng, trên đường giao thông hoặc ngay cả sân trường mầm non, tiểu học. Khi những đứa trẻ chịu đòn, người chứng kiến có thể xuýt xoa..., nhưng không ai ngăn cản hoặc lên án bởi cho rằng họ đang thực hiện trách nhiệm giáo dục trẻ và đó là việc riêng của gia đình.

Cũng không ít trường hợp khi tôi đưa con đi học ở cấp mầm non, nghe bố, mẹ các cháu kể với cô giáo về việc thường xuyên cho con ăn đòn mà cháu vẫn bướng bỉnh, khó bảo....

Theo công trình khoa học của một quốc gia tiên tiến được công bố gần đây, nhóm nghiên cứu cho biết họ hỏi 34.000 người thì có 1.300 người nói rằng đã từng bị trừng phạt thân thể khi còn nhỏ. Con số này khiến tôi giật mình: Chưa tới 4%! Nếu số 34.000 người được hỏi này ở Việt Nam thì sẽ có bao nhiêu người trả lời đã từng bị "đánh đít"? Tôi tin chắc phải trên 90%, bởi bản thân tôi khi nhỏ cũng bị phạt roi nhiều lần.

Con người Việt Nam vốn hiền hòa, không ưa bạo lực, vậy bởi lý do gì mà chúng ta đánh trẻ nhỏ? Vì chúng ta vẫn quen nếp nghĩ đó là quyền, là trách nhiệm mà không nghĩ tới hậu quả những đòn roi đó gây ra với tiềm thức, tư duy, tinh thần trẻ. Đánh để trừng phạt hoặc buộc trẻ thực hiện mệnh lệnh của người lớn là lẽ đương nhiên. "Yêu cho roi cho vọt" dường như là "kim chỉ nam" phổ biến của những người có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Liệu đã ai từng hỏi những cái đánh đít mà chúng ta cho rằng xuất phát từ tình thương yêu đó đã gây ảnh hưởng cho sức khỏe, tâm lý của biết bao thế hệ con người Việt Nam?

Theo kết quả công bố của công trình nghiên cứu trên, những người đã từng bị trừng phạt thân thể có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, bệnh về thần kinh lớn hơn những người còn lại. Đã đến lúc ngành giáo dục, y tế có những công trình nghiên cứu của riêng mình về vấn đề này một cách phù hợp với văn hóa, truyền thống, thói quen của đất nước ta để có sự hướng dẫn xã hội cụ thể: Có nên thay đổi tư duy giáo dục trẻ bằng roi vọt không?

Hải Chi