Năm 2022, các ngân hàng lãi lớn
Tài chính - Ngày đăng : 07:07, 26/01/2023
Dẫn đầu trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, đạt hơn 36.700 tỷ đồng, tương đương với 119% kế hoạch năm 2022. Tín dụng của Vietcombank đã vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này cũng tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank kiểm soát ở mức 0,67% tương đương với 7.662 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch được giao.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190%, tăng 10% so với năm 2021.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng cho biết, ngân hàng đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, tăng khoảng 40% so với năm trước.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tăng đến 70% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%, tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 245%, cũng là mức cao nhất trong các năm gần đây. BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên sở hữu quy mô tổng tài sản kỷ lục, vượt mốc 2 triệu tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng có một năm hoạt động khá thành công. Mới đây, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn cho hay: Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm. Khấu trừ đi các loại thuế, phí, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ghi nhận 4.510 tỷ đồng, tăng 57%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho biết, TPBank đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2022, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Ngoài nỗ lực kiểm soát chặt chẽ doanh thu - chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và diễn biến của thị trường, mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh, tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí.
Các ngân hàng thương mại cổ phần khác, như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB)..., cũng có kết quả kinh doanh cao trong năm 2022.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có đến từ những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là vấn đề lạm phát, lãi suất tăng cao ở một số quốc gia, tình hình địa chính trị quốc tế diễn biến khó lường. Tuy nhiên, với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ được triển khai đồng bộ, năm 2022, ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế.
Theo đó, lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2022 là 3,15%. Không chỉ vậy, tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 8,02%, đây là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Nhờ đó, niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.
Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022 tăng khoảng 14,17%, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế trong nước và quốc tế.