Đánh giá chất lượng kiểm sát viên: Trước hết ở khâu tranh tụng
Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 22/08/2013
8 năm qua, Viện Kiểm sát 2 cấp của thành phố đã thụ lý giải quyết hơn 61 nghìn vụ, với hơn 102 nghìn bị can và qua thực tế thì tỷ lệ trả lại yêu cầu điều tra bổ sung hằng năm đều giảm (6 tháng đầu năm 2012 chỉ là 4,63%). Ngành KSND thành phố cũng khẳng định, trong 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự của 2 cấp viện KSND thành phố đã có sự chuyển biến rõ rệt qua từng năm. Quan trọng hơn cả là kỹ năng nghiệp vụ của KSV đã được đổi mới theo hướng "tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra" với trọng tâm là "nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa". Bà Hà Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm - giám đốc thẩm - tái thẩm án hình sự (Viện KSND thành phố) cho biết thêm: Kỹ năng của KSV trong quá trình chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên tòa đã từng bước được hoàn thiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy chế của ngành... và trình độ, năng lực thực hiện quyền công tố của KSV sau mỗi phiên tòa đã tốt hơn... Những kết quả đó đã góp phần đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô.
Những năm qua, ngành kiểm sát Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. |
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, lãnh đạo ngành KSND thành phố không cho rằng chất lượng tranh tụng tại tòa của KSV đã đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp cũng như mong mỏi của nhân dân. Viện KSND thành phố đánh giá, lực lượng cán bộ, KSV của Hà Nội còn chưa đáp ứng đầy đủ về số lượng, chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, "chất lượng tranh tụng của một số KSV tại tòa còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp". Nguyên nhân thì nhiều, cả chủ quan, khách quan, cũng như có những yếu tố tác động từ chính sách, sự đồng bộ của hệ thống luật pháp. Nhưng, một trong những nguyên nhân cần phải khắc phục ngay là chất lượng trình độ nghiệp vụ của KSV. Đánh giá của Thành ủy về công tác cải cách tư pháp thời gian qua cũng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra, lực lượng cán bộ tư pháp, trong đó có KSV của thành phố vẫn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, trong khi có nơi xuất hiện tình trạng quá tải trong giải quyết án...
Để khắc phục vấn đề này, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Viện KSND Tối cao, Thành ủy tiếp tục quan tâm mở các lớp đào tạo, nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành. Một số cán bộ trong ngành cũng cho rằng, bản thân KSV thực hành quyền công tố cần tích cực học tập, nghiên cứu pháp luật và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để nâng cao trình độ, chuyên môn. Theo bà Hà Thị Thu Hà, KSV cần quan tâm đến kỹ năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình xét xử, nâng cao kỹ năng xét hỏi, đối đáp, tranh luận. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tội phạm có nhiều diễn biến mới và phức tạp như hiện nay, Viện KSND Tối cao cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ KSV về kinh nghiệm và kỹ năng thực hành quyền công tố đối với từng loại án và những kiến thức liên quan. Chẳng hạn, KSV hiện nay rất cần những kiến thức về tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về chứng khoán...
Cán bộ luôn là nhân tố hết sức quan trọng trong mỗi khâu của công tác kiểm sát, nhất là đối với thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Vì vậy, để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của KSV, cụ thể là trong khâu tranh tụng tại tòa, theo tinh thần Nghị quyết 49, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, KSV, đồng thời đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, KSV, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có đủ tiêu chuẩn, năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...